Hệ thống phòng cháy, chữa cháy giúp bạn dập tắt đám cháy như thế nào?
03/09/2020Hệ thống phòng cháy chữa cháy ngày càng hiện đại và chiếm một vai trò to lớn trong đời sống quanh ta trong việc ngăn chặn nhanh các sự cố cháy nổ và giảm thiểu nguy cơ cháy nổ từ sớm. Vậy làm thế nào mà hệ thống này có thể can thiệp và dập tắt đám cháy, hạn chế tình trạng cháy lan? Hãy cùng khám phá câu trả lời.

Nội dung chính
1. Vì sao cần có hệ thống phòng cháy, chữa cháy
Cháy là một phản ứng hóa học vô cùng phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Chúng đi kèm với những tai nạn và rủi ro không ai mong muốn. Vì thế, hệ thống phòng cháy, chữa cháy ra đời để giúp con người tránh những rủi ro do cháy, nổ gây ra. Để hiểu rõ hơn về hệ thống phòng cháy, chữa cháy; bạn có thể tham khảo bài viết “Tổng quan về hệ thống phòng cháy chữa cháy”.
Để hệ thống này thực sự làm việc hiệu quả, trước khi đi vào lắp đặt cần trải qua quá trình thiết kế, trong đó xác định rõ những nguyên nhân có thể gây cháy tại công trình tương ứng để có sự lắp đặt cho phù hợp. Theo nghiên cứu sơ lược, sự cháy có thể được lí giải như sau:
Để có sự cháy xảy ra cần có ba yếu tố đó là chất cháy, nguồn nhiệt thích ứng và nguồn ô xy (tỉ lệ oxy trong không khí chiếm đến 21%).

1.1 Điều kiện gây ra sự cháy
Chất cháy
Trong đó chất cháy vô cùng đa dạng, tồn tại ở dạng rắn như gỗ, bông, vải,..; dạng lỏng như xăng, dầu, benzene, axeton,…; và ở thể khí như khí butan, khí metan,…
Nguồn nhiệt
Không có chất cháy nào có thể tự phát cháy nếu thiếu nguồn nhiệt tương thích. Các nguồn nhiệt này có thể trực tiếp bắt vào chất cháy như lửa từ bếp lửa, diêm, đóm,… Đây là các nguồn nhiệt có thể nhìn thấy được và ngăn chặn từ sớm. Song nguy hiểm hơn là các dạng nguồn nhiệt mà thường ngày chúng ta thường không chú ý đến như: nhiệt do ma sát; nhiệt do phản ứng hóa học giữa các chất khi gặp những điều kiện thuận lợi trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên các nguồn nhiệt này thường ít gặp và không phải là nguyên nhân chiếm đa số trong các vụ cháy.
1.2 Nguyên nhân cháy thường gặp
Theo một thống kê của lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp, 70% nguyên nhân gây ra các vụ cháy là do chập điện. Xuất phát từ những sự cố do quá tải điện; thiết bị điện cũ, xuống cấp nhưng không được sửa chữa, thay thế cho phù hợp.
Dù chiếm một tỉ lệ thấp nhưng nguồn nhiệt do sét đánh cũng là một nguyên nhân gây cháy và thường kéo theo những hậu quả rất nghiêm trọng.
2. Cách dập tắt đám cháy của hệ thống phòng cháy, chữa cháy
2.1 Cảnh báo cháy
Hệ thống phòng cháy chữa cháy tiêu chuẩn luôn phải có một hệ thống cảnh báo cháy hiện đại, phát hiện sớm và phát tín hiệu cho người sử dụng nhanh chóng có biện pháp đối phó với đám cháy như sơ tán, bảo vệ tài sản khỏi tác động của đám cháy.
2.2 Phương pháp chữa cháy
Dựa trên các điều kiện gây ra sự cháy, hệ thống phòng cháy chữa cháy sử dụng các nguyên lý tác động đến các điều kiện này để dập tắt ngọn lựa theo bốn phương pháp sau và trên cơ sở đó, đưa chất chữa cháy có tác dụng tương ứng vào để dập tắt ngọn lửa.
Phương pháp làm lạnh:
Dựa trên nguyên lý hạ nhiệt độ của đám cháy xuống thấp hơn mức nhiệt cần thiết để diễn ra sự cháy của chất cháy đó, phương pháp làm lạnh đơn giản và dễ thực hiện, cũng là phương pháp truyền thống và thông dụng nhất.
Phương pháp làm ngạt:
Vì ô xy rất cần cho sự cháy, do vậy phương pháp làm ngạt có tác dụng ngăn cách ô xy với đám cháy làm ngọn lửa không thể tiếp tục và đám cháy sẽ bị dập tắt.
Phương pháp cách ly:
Tương tự như phương pháp làm ngạt với mục đích chính là ngăn cách ô xy với ngọn lửa, phương pháp cách ly còn bao hàm cả ý nghĩa cách ly, giữ cho ngọn lửa không cháy lan sang các khu vực khác, giảm thiểu thiệt hại.
Làm ngưng trệ phản ứng cháy:
Đây là dạng phương pháp tổng hợp, vừa làm lạnh, hạ thấp nhiệt độ của ngọn lửa; đồng thời không để ô xy tạo điều kiện cho phản ứng cháy xảy ra. Phương pháp này phù hợp với những đám cháy lớn, có nguyên nhân cháy phức tạp và khả năng lan nhanh trên diện rộng.

3. Các chất chữa cháy quyết định việc lựa chọn hệ thống phòng cháy, chữa cháy
3.1 Các chất chữa cháy
Tùy theo sự lựa chọn của người tiêu dùng mà các hệ thống phòng cháy chữa cháy có thể có một hoặc một vài chất chữa cháy dưới đây:
Nước
Nước rất phổ biến và dễ tìm, cách sử dụng đơn giản và ít tốn kém nên là chất chữa cháy được ưu chuộng. Chữa cháy với nước phù hợp cho các đám cháy có chất cháy ở dạng rắn nhưng bông, gỗ, vải,…
Cát
Tương tự như nước, cát khá phổ biến và rẻ tiền. Cát ưu việt hơn nước ở chỗ nó có khả năng làm ngạt và ngưng trệ phản ứng cháy, phù hợp với các chất cháy ở dạng lỏng. Đồng thời cũng giúp làm giảm cháy lan hiệu quả.
Bọt chữa cháy
Bọt chữa cháy là một chất chuyên dụng trong chữa cháy; tồn tại ở dạng bọt và là hỗn hợp của hai chất: dung dịch Sun-phát nhôm Al2(SO4)3, kí hiệu A và dung dịch Natri hydrocacbonat NaHCO3, kí hiệu B.
Bọt chữa cháy thường được sử dụng cho các đám cháy có chất cháy ở dạng lỏng như xăng, dầu. Vì bọt nhẹ hơn nổi lên trên bề mặt chất cháy; liên kết tạo thành màng ngăn chất cháy với ô xy, nhờ đó dập tắt đám cháy.
Khí chữa cháy CO2
Khí CO2 là kết quả của phản ứng oxy hóa giữa oxy và các-bon. Khí CO2 không cháy mà còn có tác dụng ngăn cản sự cháy, làm ngạt hiệu quả. Khí CO2 dùng cho việc chữa cháy phải được nén vào bình chịu áp lực hóa lỏng. Khi phun ra, khí CO2 ở dạng tuyết lạnh tới -79oC nên có hai tác dụng làm ngạt và làm lạnh, giúp dập tắt đám cháy.

3.2 Việc lựa chọn hệ thống phòng cháy, chữa cháy
Để lựa chọn hệ thống phòng cháy, chữa cháy, chất chữa cháy được xử dụng là rất quan trọng. Căn cứ vào đó, người ta có thể có một số lựa chọn như: hệ thống Sprinkler dùng nước hoặc khí; hệ thống phòng cháy, chữa cháy Drencher dùng nước hoặc bọt foam,….
Bài viết trên đã mang đến cho bạn những kiến thức bổ ích về việc hình thành đám cháy và những nguyên lý chữa cháy phổ biến. Đầu tư một hệ thống phòng cháy, chữa cháy hiện đại; đạt tiêu chuẩn theo quy định pháp luật chính là giải pháp nhanh chóng và hiệu quả; giúp bạn yên tâm vui sống mà không phải lo sợ về các sự cố cháy, nổ; an toàn tính mạng cũng như tài sản của bản thân và gia đình.

