Các hệ thống phòng cháy, chữa cháy bằng khí: Đâu là lựa chọn của bạn?
13/09/2020Hiện nay, các hệ thống phòng cháy, chữa cháy bằng khí được sử dụng rất rộng rãi trong các công trình, nhà xưởng,… Với nhiều đặc tính ưu việt, đây là hệ thống phòng cháy, chữa cháy đáng cân nhắc cho công trình của bạn. Vậy hệ thống này có ưu điểm gì; cấu tạo ra sao? Những thông tin hữu ích này sẽ có trong bài viết sau đây.

Nội dung chính
1. Vì sao nên lựa chọn hệ thống phòng cháy, chữa cháy bằng khí?
Khác với suy nghĩ của nhiều người, nước không thể dập được tất cả các đám cháy. Đặc biệt đối với các đám cháy do xăng, dầu hay cháy do sự cố chập điện, cháy thiết bị điện tử. Khi đó, lựa chọn tuyệt vời chính là khí chữa cháy.
Khí chữa cháy tác động đến đám cháy theo cơ chế làm ngạt, ngăn cản ô xy cần thiết cho sự cháy. Vì thế sự cháy không thể tiếp tục và lửa sẽ bị dập tắt. Khí chữa cháy khiến cho đám cháy bị dập tắt mà không tác động đến bất cứ thiết bị, giấy tờ nào hay khiến chúng bị hư hỏng.
Một số loại khí chữa cháy phổ biến đó là khí CO2, khí Nitrogen, khí Fm-200… Trong đó khí CO2, khí Nitrogen có nhược điểm gây khó khăn cho hô hấp của con người; khí Fm-200 an toàn cho người nhưng có giá thành khá cao.
2. Cấu tạo của hệ thống phòng cháy, chữa cháy bằng khí
2.1. Các bộ phận của hệ thống chữa cháy bằng khí.
Hệ thống thường có cấu tạo bao gồm: những bình chứa khí, đường ống dẫn khí, đầu xả khí. Ngoài ra, còn có các van, đồng hồ đo áp suất (giám sát áp lực).
2.2. Nguyên lý hoạt động.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống này có thể hiểu đơn giản như sau:
- Khi có đám cháy xảy ra, hệ thống báo cháy hoạt động và kích hoạt hệ thống; khiến các van mở ra đưa khí từ bình chứa khí qua đường ống dẫn khí đến các đầu xả khí được bố trí thông minh trong khu vực được chữa cháy.
- Khí được xả ra một cách nhanh và mạnh mẽ, tác động trực tiếp lên đám cháy giúp lửa mau được dập tắt, đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Tìm hiểu tổng quan về hệ thống phòng cháy chữa cháy tại đây.
3. Những điểm lưu ý trước khi lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy bằng khí
Trước khi lắp đặt một hệ thống phòng cháy, chữa cháy; việc đánh giá nguy cơ cháy nổ, xác định diện tích khu vực cần chữa cháy là việc làm cần thiết. Công việc thiết kế hệ thống phòng cháy, chữa cháy vì vậy chiếm một vai trò cực kì quan trọng; quyết định hiệu quả của công tác phòng cháy, chữa cháy.
Trong phạm vi bài viết này sẽ không đi sâu vào công việc thiết kế hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, chúng tôi mang đến cho bạn một số lưu ý trước khi lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Nhờ đó, giúp bạn đánh giá được mức độ phù hợp của loại hệ thống mà bạn lựa chọn cho công trình của mình.
3.1. Tính toán diện tích khu vực cần chữa cháy
Diện tích của khu vực cần chữa cháy kết hợp với chiều cao của gian phòng sẽ cho chúng ta biết chính xác thể tích không gian cần tiến hành các biện pháp phòng cháy, chữa cháy.
Để chữa cháy hiệu quả bằng khí, không gian cần có độ kín nhất định. Do vậy khi đám cháy xảy ra trong khu vực được chữa cháy; các cửa chớp, lỗ thông gió,… nên được đóng kín.
Thể tích của không gian cần chữa cháy sẽ giúp bạn tính toán lượng khí cần thiết cho một lần phun dập tắt đám cháy; hạn chế tối đa nguy cơ thiếu hụt chất chữa cháy. Không những không khiến cho lửa bị dập tắt mà còn gây hư hỏng toàn bộ hệ thống chữa cháy.
3.2. Số lượng đầu phun
Nhờ việc tính toán diện tích khu vực cần chữa cháy, bạn sẽ xác định được số lượng đầu phun cần thiết.
Các đầu phun đều có một giới hạn về chiều cao và diện tích phun. Do đó, nếu độ cao của công trình vượt quá chiều cao mà đầu phun có thể tác động đến; phải bố trí đầu phun hai lớp trong các gian phòng.
3.3. Các khu vực nên bố trí hệ thống chữa cháy bằng khí
Hệ thống phòng cháy, chữa cháy bằng khí có giá thành tương đối cao; song an toàn và hạn chế rủi ro gây ra với tài sản, thiết bị. Vì vậy, trong một công trình có nhiều gian phòng, nhiều khu vực nhỏ; việc bố trí hệ thống chữa cháy không nhất thiết phải cùng một loại. Có thể kết hợp giữa hệ thống phòng cháy, chữa cháy bằng nước (tiết kiệm chi phí nhất) và hệ thống bằng khí.

Các khu vực quan trọng như phòng máy chủ, trung tâm điều khiển, thư viện, bảo tàng,…; các khu vực chứa nhiều tài liệu quan trọng và thiết bị điện tử, sử dụng điện,..; phải lựa chọn hệ thống bằng khí. Trong đó khí CO2 và khí nitrogen có thể gây khó khăn cho hô hấp, do đó cần phải tiến hành sơ tán con người trước khi xả khí.
Bài viết trên đã giúp bạn phần nào tìm hiểu kĩ hơn về hệ thống phòng cháy, chữa cháy bằng khí. Từ đó có thể cân nhắc, lựa chọn một hệ thống thực sự phù hợp cho công trình của bạn; giúp đảm bảo an toàn về người và tài sản trước các nguy cơ cháy, nổ. Tìm hiểu thêm những thông tin bổ ích về hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại baotricodien.vn.
