Kim chống sét và những điều bạn cần biết
07/09/2020Kim chống sét hay còn gọi là kim thu sét, cột thu lôi, là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chống sét. Kim chống sét được lắp đặt tại vị trí cao nhất, ở trung tâm công trình cần bảo vệ. Khi sét đánh vào tòa nhà có kim thu sét, năng lượng sét sẽ được truyền xuống đất thông qua dây dẫn, thay vì đi qua tòa nhà, từ đó giúp tòa nhà tránh khỏi nguy cơ bị hư hỏng.
Vậy kim chống sét ra đời từ khi nào? Cấu tạo ra sao? Nguyên lý hoạt động như thế nào?…Mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây để được giải đáp những câu hỏi còn đang thắc mắc nhé!
Nội dung chính
1. Lịch sử ra đời của kim chống sét
Nhà khoa học người Mỹ Benjamin Franklin chính là cha đẻ của những chiếc kim chống sét.
Vào năm 1752, ông đã làm thí nghiệm về điện trong khí quyển. Đầu tiên, Franklin buộc một chiếc diều vào cột một căn nhà, trên chiếc diều buộc thêm một chiếc chìa khóa. Khi mưa giông kéo đến, con diều bị ướt nên có khả năng dẫn điện. Và khi sờ vào chìa khóa, Franklin đã cảm nhận được sự tồn tại của dòng điện.

Tù thí nghiệm trên, Benjamin Franklin đã chế tạo ra chiếc cột thu lôi đầu tiên tại Philadelphia. Qua những ngày mưa bão có sấm sét, căn nhà được trang bị kim chống sét không hề bị ảnh hưởng hay hư hỏng gì. Nhận ra tác dụng của thiết bị này, những người dân quanh đó đã làm theo. Từ đây, kim chống sét dần trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi. Ngày nay, chúng đã có mặt trên toàn thế giới.
2. Nguyên lý hoạt động của kim chống sét
Về cơ bản, kim chống sét có 2 bộ phận chính là phần đầu nhọn kim loại và phần thân kim. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại kim chống sét khác nhau, mỗi loại sẽ có cấu tạo chi tiết, hình dáng khác nhau, nhưng nhìn chung có 3 loại như sau.
2.1 Kim chống sét cổ điển
Kim chống sét chỉ hoạt động khi có giông bão. Lúc này những đám mây mang điện tích âm, mặt đất mang điện tích dương. Giữa các đám mây và mặt đất có hiệu điện thế rất lớn, đây là nguyên nhân hình thành sét. Những nơi nhô cao trên mặt đất là những nơi có điện trường mạnh nhất, do đó cũng dễ bị sét đánh nhất.

Khi sét đánh vào tòa nhà được trang bị kim thu sét, do nhô cao và nhọn, kim thu sét có điện trường lớn sẽ hút sét đánh vào đó. Năng lượng sét sẽ theo hệ thống dây dẫn đến bãi tiếp địa nằm dưới lòng đất. Dòng điện sẽ được trung hòa do đất mang điện tích dương, còn dòng điện thu được từ kim chống sét mang điện tích âm.
2.2 Kim thu sét tia tiên đạo
Hay còn gọi là kim thu phóng điện sớm do kim thu sét chủ động phóng ra tia tiên đạo. Tia tiên đạo này đi lên bắt tia tiên đạo đi xuống được phóng ra từ các đám mây, chính vì vậy tạo ra lợi thế về khoảng cách, tăng thêm độ rộng bán kính bảo vệ cho tòa nhà được trang bị hệ thống chống sét.

2.3 Kim thu sét phân tán điện tích
Ở phần đầu nhọn, kim thu sét tạo ra một lớp không gian mang điện tích dương. Dòng phóng điện tỉ lệ thuận với trường tĩnh điện đám mây. Do đó, lớp tích điện không gian càng nhiều tạo thành lớp màn chắn tĩnh điện càng chắc chắn. Màn chắn này có tác dụng làm điện trường giữa đám mây và mặt đất yếu đi, sẽ hạn chế nguy cơ phóng điện của tia sét.

3. Tiêu chuẩn kỹ thuật kim chống sét
Dựa theo quy định TCXDVN 46:2007 về chống sét cho các công trình xây dựng thì kim chống sét phải đạt được những tiêu chuẩn về vật liệu, cấu tạo, diện tích tiết diện tối thiểu như sau:
Vật liệu | Cấu tạo | Diện tích tiết diện tối thiểu | Đường kính |
Đồng | Dây tròn đặc | 200mm2 | 16mm |
Đồng phủ thiếc | Dây tròn đặc | 200mm2 | 16mm |
Hợp kim nhôm | Dây tròn đặc | 200mm2 | 16mm |
Thép mạ kẽm | Dây tròn đặc | 200mm2 | 16mm |
4. Những lưu ý khi lựa chọn kim thu sét
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại kim thu sét khác nhau, mức giá cả cũng vô cùng đa dạng, khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi lựa chọn chiếc kim thu sét phù hợp với công trình của mình. Để có quyết định sáng suốt, bạn có thể tham khảo 3 tiêu chí dưới đây:
4.1 Xác định nhu cầu thực sự
Bạn cần chắc chắn về nhu cầu lắp đặt hệ thống chống sét cho ngôi nhà của mình, bởi đây cũng là một khoản chi phí không nhỏ. Nếu xác định lắp đặt thì có yêu cầu gì? Giới hạn kinh phí là bao nhiêu? Lựa chọn nhà thầu nào?…
4.2 Khảo sát thực địa
Nếu bạn thực sự có nhu cầu, bạn nên chọn một nhà thầu uy tín, có đội ngũ thi công chuyên nghiệp, tay nghề cao. Họ sẽ giúp bạn khảo sát thực địa để xác định đặc tính địa lý nơi bạn ở, điện trở suất đất là bao nhiêu? Vị trí lắp đặt và cấu trúc bãi tiếp địa ra sao?…

4.3 Tìm hiểu thông số kỹ thuật các thiết bị, vật tư
Mặc dù việc thi công là của nhà thầu nhưng bạn cũng cần tìm hiểu về thông số kỹ thuật, chất lượng của kim thu sét cũng như của các thiết bị khác trong hệ thống chống sét. Như vậy, sẽ giúp bạn lựa chọn được loại thiết bị, vật tư phù hợp với nhu cầu sử dụng, công trình cần lắp đặt và cả vấn đề tài chính. Khi lựa chọn kim thu sét, các thông số kỹ thuật mà bạn cần quan tâm là: chất liệu, bán kính bảo vệ, thời gian phóng tia tiên đạo, giá tiền…
=> Tham khảo Chi phí lắp đặt hệ thống chống sét nhà ở dân dụng Tại đây
Baotricodien.vn vừa giới thiệu đến các bạn bài viết về kim chống sét và những điều cần biết về thiết bị này. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn những thông tin bổ ích, đặc biệt là đối với những người đang có nhu cầu lắp đặt hệ thống chống sét cho nhà ở hộ gia đình. Nếu có thắc mắc hoặc cần được tư vấn thêm, bạn hãy liên hệ vào hotline: 096.63.36.096 của chúng tôi nhé!

