Các loại hệ thống phòng cháy, chữa cháy phổ biến
11/09/2020Mỗi một công trình xây dựng lại có những đặc điểm riêng về diện tích, địa thế, kiến trúc,… Vì thế, chúng phù hợp với những hệ thống phòng cháy, chữa cháy khác nhau. Vậy hiện nay, có bao nhiêu loại hệ thống phòng cháy, chữa cháy; phù hợp cho loại công trình nào? Cấu tạo và nguyên lí hoạt động của chúng như thế nào? Hãy cùng khám phá qua bài viết sau.

Nội dung chính
1. Phân loại hệ thống phòng cháy, chữa cháy
Xuất phát từ nguyên lý chữa cháy, các chất chữa cháy phổ biến thường được dùng ngày nay đó là nước, khí và bọt chữa cháy. Vì thế, ta có thể phân loại hệ thống phòng cháy, chữa cháy thành ba loại sau:
1.1. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy bằng nước
Nước là chất chữa cháy rẻ tiền, sẵn có trong tự nhiên. Nguyên lý chữa cháy sử dụng nước là nguyên lý làm mát; hạ nhiệt độ của đám cháy xuống dưới ngưỡng hình thành nên sự cháy.
Việc xây dựng các hầm chứa nước khá đơn giản. Về tổng thể, hệ thống phòng cháy, chữa cháy dùng chất chữa cháy là nước có giá rẻ; được áp dụng đối với các đối tượng không có nguy cơ cháy bởi chất cháy kị nước như xăng, dầu hay cháy do chập điện,….
Các hệ thống phổ biến sử dụng nước là hệ thống Sprinkler (vòi phun tia nước), hệ thống Drencher (xả tràn ngập) và hệ thống chữa cháy vách tường.

1.2. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy bằng khí
Khác với nước, khí là chất chữa cháy giúp dập tắt đám cháy bằng nguyên lý làm ngạt, ngưng trệ phản ứng cháy. Trong một số trường hợp sử dụng khí hóa lỏng có nhiệt độ âm còn góp phần giúp làm giảm nhiệt, dập tắt đám cháy. Khí được dùng làm chất chữa cháy khá đa dạng. Trong đó các loại khí được sử dụng phổ biến nhất là khí nitrogen, khí CO2 và khí FM200; có đặc tính ngăn cản ô xy, khiến cho đám cháy không có điều kiện diễn ra.
Hệ thống phòng cháy, chữa cháy dùng khí thường có chung nguyên lý hoạt động. Đó là nối các bình chứa khí vào một hệ thống ống xả, đặt trên trần cao. Khi được kích hoạt, các ống xả sẽ xả khí mạnh mẽ từ trên cao xuống đám cháy. Khí lan tỏa trong không gian giúp dập tắt đám cháy.
1.3. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy bằng bọt chữa cháy.
Bọt chữa cháy là một chất chuyên dụng trong chữa cháy, tồn tại ở dạng bọt và là hỗn hợp của hai chất: dung dịch Sun-phát nhôm Al2(SO4)3, kí hiệu A và dung dịch Natri hydrocacbonat NaHCO3, kí hiệu B.
Bọt chữa cháy thường được sử dụng cho các đám cháy có chất cháy ở dạng lỏng như xăng, dầu vì bọt nhẹ hơn nổi lên trên bề mặt chất cháy, liên kết tạo thành màng ngăn chất cháy với ô xy, nhờ đó dập tắt đám cháy. Do vậy nguyên lý dập tắt đám cháy khi sử dụng bọt chữa cháy là nguyên lý cách ly và làm ngưng trệ phản ứng cháy.
Hệ thống chữa cháy sử dụng bọt chữa cháy có đầu xả khá tương đồng với hệ thống chữa cháy Drencher (xả tràn ngập). Những ống xả thẳng đứng từ trên cao hoặc hai bên; xả chất chữa cháy một cách nhanh và mạnh lên bề mặt đám cháy; ngăn cách chất cháy gặp ô xy khiến đám cháy mau chóng được dập tắt.
2. Cấu tạo chung của các loại hệ thống phòng cháy, chữa cháy
Nhìn chung, cấu tạo của các hệ thống phòng cháy, chữa cháy nói chung đều phải bao gồm hai phần chính là hệ thống báo cháy và hệ thống chữa cháy.
2.1. Cấu tạo của hệ thống báo cháy
Hệ thống báo cháy hiện nay phổ biến hai loại: báo cháy theo zone và báo cháy theo địa chỉ.
Hệ thống báo cháy bao gồm thiết bị cảm biến, trung tâm báo cháy và thiết bị báo động cháy. Với nguyên lý hoạt động có thể hiểu đơn giản như sau:
– Đối với hệ thống báo cháy theo địa chỉ: Khi xuất hiện tín hiệu về đám cháy, nhờ sự nhận biết của các cảm biến nhiệt, cảm biến khói, cảm biến ngọn lửa; các tín hiệu này sẽ qua một module giám sát truyền dẫn đến trung tâm báo cháy. Từ đây, trên màn hình sẽ xuất hiện đúng vị trí xảy ra cháy; đưa ra thông báo bằng âm thanh, đèn thông qua các thiết bị báo động cháy. Điều này giúp người dùng mau chóng triển khai các biện pháp chữa cháy kịp thời và chính xác.
– Đối với hệ thống báo cháy theo zone: Khi xuất hiện tín hiệu về đám cháy, nhờ sự nhận biết của các cảm biến; tín hiệu sẽ được truyền về trung tâm báo cháy. Từ đây, thông qua các đường dẫn, tín hiệu sẽ được truyền đến thiết bị báo động cháy chung cho toàn bộ công trình.

2.2. Cấu tạo của hệ thống chữa cháy
Các hệ thống chữa cháy thường có cấu tạo phức tạp và là tổng hòa của hàng chục thiết bị. Tuy nhiên điểm chung của chúng là các nhóm bộ phận chính sau đây:
– Bộ phận chứa chất chữa cháy như các hầm chứa nước, các bình chứa khí,..
– Các đầu xả chất chữa cháy như đầu phun tia nước, đầu xả tràn ngập,…
– Hệ thống truyền dẫn:
Đây là bộ phận phức tạp nhất, thể hiện cách hệ thống chữa cháy vận hành và đưa được chất chữa cháy đến dập tắt đám cháy mà không cần có sự tác động của con người.
Hệ thống truyền dẫn bao gồm các đường ống dẫn nước/ khí/ bọt chữa cháy đi từ bộ phận chứa; qua các van, công tắc áp lực, đồng hồ đo áp suất, hệ thống bơm (đối với hệ thống chữa cháy dùng nước),…; đến các đầu xả chất chữa cháy.
3. Các loại hệ thống phòng cháy, chữa cháy nào phù hợp với công trình của bạn
Để xác định hệ thống phòng cháy, chữa cháy phù hợp cần phải xem xét đến diện tích, quy mô công trình; đánh giá khả năng xảy ra cháy trong đó bao gồm: chất gây cháy và các thiết bị, tài liệu trong khuôn viên bố trí hệ thống chữa cháy.
Hệ thống chữa cháy bằng nước khá rẻ tiền và được sử dụng rất phổ biến. Hệ thống này phù hợp với các công trình có nguy cơ cháy từ các chất cháy không phải dầu và không có nhiều thiết bị điện tử, dẫn đến sự cố chập điện. Nước cũng đồng thời khiến cho giấy tờ, thiết bị bị hư hỏng nên cần cân nhắc trước khi sử dụng.
Hệ thống chữa cháy bằng khí ưu việt hơn ở điểm nó sẽ không làm tổn hại đến các vật dụng trong khuôn viên được chữa cháy. Tuy nhiên đối với các hệ thống khí dùng CO2 cần phải tiến hành sơ tán con người trước khi dùng.
Hệ thống chữa cháy bằng bọt chữa cháy cực kì phù hợp với các đám cháy do xăng, dầu, làm cách ly ô xy và gây ngưng trệ phản ứng cháy một cách hiệu quả.
Hi vọng bài viết trên đã đem đến cho bạn nhiều kiến thức bổ ích; giúp bạn lựa chọn được loại hệ thống phòng cháy, chữa cháy phù hợp cho công trình của mình. Baotricodien.vn hân hạnh làm người bạn đồng hành bảo vệ an toàn cho bạn trước các nguy cơ cháy, nổ.

