Nước trong nhà chảy yếu. Nguyên nhân và cách khắc phục
03/06/2020Vì sao nước trong nhà chảy yếu? Baotricodien.vn chia sẻ với các bạn nguyên nhân và cách khắc phục triệt để vấn đề này.
Nội dung chính
1. Các nguyên nhân làm nước trong nhà chảy yếu.
- Sử dụng trực tiếp nước từ mạng lưới cấp nước đô thị cấp vào thiết bị. Áp lực nước của mạng thay đổi nên có thể yếu mạnh tùy thời điểm.
- Van khóa nước 2 chiều của đường ống cấp nước không được mở hết mức. Có thể do van nước bị hỏng hoặc lúc mở van lại mở không hết cỡ.
- Lắp đặt đường ống nước trong nhà không đúng kỹ thuật. Ví dụ: Đường kính ống nước không phù hợp. Ống nước lắp đặt đi ngang có chiều dài quá mức. Đi ống cấp nước có quá nhiều góc cua.
- Bồn nước bị thiếu thông hơi. Đôi lúc thợ lắp đặt bồn nước hay máy nước nóng năng lượng mặt trời không lắp ống thông hơi cho bồn nước. Điều này gây ra tình trạng nước từ bồn chảy xuống yếu.
- Đường ống cấp nước bị nghẹt. Các thiết bị trong tuyến ống nước bị tắc nghẽn do chất bẩn tích tụ. Nguyên nhân này thường gặp phải ở các gia đình dùng nước giếng có phèn. Nhà dùng nước máy thì cũng có thể gặp hiện tượng này nếu không thường xuyên vệ sinh bồn nước, bể nước.
- Bồn nước mái lắp sát sàn không đủ độ cao để tạo áp lực tĩnh.
- Sử dụng ống cấp nước quá nhỏ.
- Các thiết bị sử dụng nước trong nhà lắp đặt không đúng quy cách kỹ thuật. Ví dụ lắp sai kỹ thuật dẫn đến gây e cho bình nóng lạnh dẫn đến nước chảy yếu.
- Đường ống bị bể âm ở đâu đó, gây rò rỉ nước và áp lực nước trong ống bị suy giảm
2. Cách khắc phục hiện tượng nước trong nhà chảy yếu.
2.1 Các cách sửa nước chảy yếu cơ bản
- Thông tắc, vệ sinh đường ống nước thường xuyên. Lưu ý vệ sinh đinh kỳ bồn nước, máy nước nóng năng lượng mặt trời, vệ sinh đầu vòi nước, đầu vòi hoa sen…để nước có thể chảy ổn định.
- Lắp ống thông hơi cho bồn nước nếu chưa có. Thay thế ống thông hơi cho bồn nước nếu hư hỏng (do ống này để ngoài trời nên rất dễ bị mục, gãy vỡ.)
- Nâng độ cao bồn nước bằng cách hàn thêm chân đế cho bồn nước.
- Cải tạo đường ống nước trong nhà nếu hệ thống không đáp ứng tiêu chuẩn.
Nếu các phương án trên chưa xử lý được tình trạng nước yếu thì chúng ta có thể nghĩ đến việc lắp đặt thêm máy tăng áp lực nước.
2.2 Tăng áp lực tổng cho cả nhà bằng máy bơm tăng áp
Để tăng áp lực nước thì nên sử dụng máy bơm tăng áp. Đây là loại thiết bị chỉ hoạt động khi người dùng sử dụng mở vòi nước, máy giặt bắt đầu chu trình cấp nước…
Lắp máy bơm tăng áp (máy tăng áp lực nước) cho đường ống nước tổng
Do máy bơm tăng áp sẽ hoạt động khi chúng ta sử dụng nước, nên việc lắp đặt ngay đầu đường ống cấp nước là tốt nhất. Trường hợp nếu nhà có sử dụng bồn nước trên cao thì có thể lắp máy bơm nước ngay phía sau bồn để hỗ trợ đẩy nước xuống, tăng áp lực cho cả hệ thống.
Lưu ý: Nhà cao trên 3 tầng thì phải phân vùng và chỉ lắp máy bơm tăng áp cho 2-3 tầng trên cùng thôi . Nếu không áp lực các tầng dưới sẽ quá cao gây phá hủy thiết bị.
2.3 Cách tăng áp lực nước cho từng thiết bị, từng khu vực
Sử dụng vòi tăng áp (vòi tăng áp lực nước)
Cách tạo áp lực nước đơn giản nhất là sử dụng các vòi nước tăng áp như vòi hoa sen tăng áp, vòi tăng áp rửa chén bát hoặc đầu vòi tăng áp. Nguyên lý hoạt động là không sử dụng bơm mà tận dụng chính cấu trúc bên trong để tăng áp lực nước. Các thiết bị này chỉ có thể tăng áp lực tại vòi khoảng 10 – 20% so với tình trạng thông thường. Nên không giúp cải thiện nhiều tình trạng nước trong nhà chảy yếu.
Sử dụng máy bơm trợ lực nước yếu cho từng thiết bị đơn lẻ
Áp dụng trong trường hợp không thể lắp bơm tăng áp lực nước cho cả hệ thống. Lúc này, cần chú ý lựa chọn lắp một bơm tăng áp có công suất nhỏ, phù hợp để bơm tăng áp cho vòi sen, máy giặt và bình nóng lạnh.
Tăng áp lực từng khu vực như nhà tắm, vườn cây
Dùng máy bơm tăng áp riêng cho nhà tắm, hoặc để tưới cây khu vực cần phải tăng áp.
3. Các câu hỏi thường gặp
3.1 Sử dụng vòi sen tăng áp có tốt không?
Do cấu tạo đơn giản, nhiều người thắc mắc là vòi sen tăng áp có thật không? Lõi vòi sen này được khắc lỗ với kích thước rất nhỏ và mịn. Các lỗ vòi phun hình thành dạng hình nón cụt, như những chiếc phễu siêu nhỏ. Phần trong của lỗ to để hứng nước, phần ngoài nhỏ dần cho đến khi phun nước ra ngoài. Vì thế nước khi chảy qua lỗ vòi này sẽ có áp lực cao hơn thông thường khoảng 10-20%.
3.2 Lựa chọn đường kính ống cấp nước như thế nào là phù hợp?
Cách lắp đặt hệ thống nước trong nhà đúng nhất là đường kính ống nước trên cao phải to nhất, ví dụ là 32mm, khi xuống thấp hơn có thể giảm còn 25mm đến dưới tầng cuối cùng là 20mm. Đường kính đường ống dẫn nước lắp đặt nằm ngang không nên quá dài.
Nên phân vùng cấp nước để đảm bảo nước cấp được ổn định, trong trường hợp dùng đồng thời nhiều thiết bị cùng một lúc. Ví du: Nhà biệt thự có 4 tầng thì chia ra 2 trục cấp nước cho 2 vùng là: Trục 1 cấp cho tầng 1 và tầng 2, trục 2 cấp cho tầng 3 và 4.
3.3 Đặt cao độ bồn nước như thế nào để không làm nước trong nhà chảy yếu?
Khi lắp đặt bồn nước, cần chú trọng vẽ sơ đồ lắp đặt bồn nước trước để có thể kiểm tra trước, đảm bảo nguyên tắc an toàn là trên hết. Bồn nước cách thiết bị sử dụng nước tối thiểu 3m. Nếu có sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời (thái dương năng) thì khoảng cách phù hợp là cao 1m so với bồn nóng của máy.
Các bài viết liên quan:
Nguyên lý cơ bản của hệ thống cấp thoát nước trong nhà.
7 lỗi thường gặp của hệ thống cơ điện trong nhà
Thau rửa đường ống bể nước như thế nào?
Khi nào cần bảo trì hệ thống cấp thoát nước trong nhà?
Nhưng lưu ý khi bảo trì, bảo dưỡng hệ thống cấp thoát nước trong nhà.