60 cách tiết kiệm điện trong gia đình đơn giản và hiệu quả
28/07/2020Hàng tháng bạn phải chi trả hóa đơn điện với số tiền khá lớn. Đặc biệt vào những tháng hè nóng bức, hóa đơn điện có khi tăng gấp 2 đến 3 lần. Bài viết này Baotricodien.vn tổng hợp 60 cách tiết kiệm điện để bạn có thể ứng dụng ngay để giảm hóa đơn tiền điện. Bài viết khá dài và cung cấp nhiều thông tin nên bạn hãy lưu lại trang web này để tiện đọc lại và tra cứu sau nhé.
Nội dung chính
I. Giải pháp tiết kiệm điện từ giai đoạn thiết kế và thi công.
1.1 Phân vùng các khu vực dùng điện, chia nhỏ các tuyến dây điện.
Khi thiết kế hệ thống điện chiếu sáng phải chia thành nhiều vùng chiếu sáng nhỏ. Sử dụng nhiều công tắc để tránh tình trạng bật 1 lúc có quá nhiều bóng điện cùng sáng, gây lãng phí điện năng. Nếu nguồn điện 3 pha cần phân chia pha cho đều tránh lệch pha.
Tách riêng các nguồn điện cấp cho điều hòa, ổ cắm, bếp điện, chiếu sáng. Việc này giúp bạn dễ dàng ngắt nguồn điện thiết bị khi không dùng đến mà không làm ảnh hưởng đến các thiết bị còn lại đang sử dụng.
Cấp nguồn cho các ổ cắm cũng cần tính toán “chia lộ” phù hợp để đảm bảo an toàn vận hành và tiết kiệm điện. Tìm hiểu thêm về thiết kế hệ thống điện tại đây
1.2 Sử dụng dây dẫn điện có tiết diện lớn.
Theo tính toán của các nhà khoa học tổn thất điện năng trên đường dây truyền tải khá lớn. Dây càng nhỏ, càng dài thì tổn hao điện càng nhiều.
Vì thế trước khi thi công điện cần dựa vào công suất phụ tải để tính toán chọn tiết diện dây dẫn dư lên 1 đến 2 cấp. Việc này vừa giúp đảm bảo an toàn điện vừa làm giảm tiêu hao điện. Lưu ý cũng không nên chọn dây quá to sẽ gây lãng phí chi phí đầu tư ban đầu.
1.3 Triển khai thi công hệ thống điện đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn điện.
Trong quá trình thi công cần đặc biệt lưu ý kiểm tra việc an toàn điện. Sử dụng các biện pháp kiểm tra đo đạc để phát hiện các chỗ rò rỉ điện. Tránh mất tiền điện oan và nguy hiểm đến tính mạng.
Để không phải lo lắng về hệ thống điện trong nhà, giảm thiểu các rủi ro khi sử dụng bạn nên giao việc thi công điện nước cho đơn vị chuyên nghiệp.
1.4 Sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời
Gần đây lắp đặt và sử dụng điện năng lượng mặt trời đang được nhiều người quan tâm. Có nhiều gia đình đã lắp đặt hệ thống sản sinh nguồn điện từ mặt trời. Điều này không những giúp tiết kiệm được chi phí tiền điện hàng tháng của gia đình mà còn góp phần tiết kiệm nguồn điện cho quốc gia. Thậm trí nhiều người còn nhận được tiền về từ việc bán lại điện cho Công ty điện lực.

Sử dụng pin năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện
Chi phí để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời hiện nay không quá cao nhưng hiệu quả mà nó mang lại sẽ rất lớn và lâu dài. Chắc chắn trong những năm tới thì giải pháp tạo ra nguồn điện từ năng lượng mặt trời sẽ được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam.
Hiện nay nhà nước đang khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng mặt trời. Đã có nhiều dự án điện mặt trời lớn được hòa vào lưới điện quốc gia. Tìm hiểu về năng lượng mặt trời tại đây
Một lợi ích nữa mà tấm Pin năng lượng mặt trời mang lại đó là khả năng chống nóng. Các tấm pin hấp thụ hầu hết nhiệt năng từ mặt trời, làm cho không gian trong nhà mát hơn. Vì thế bạn tiết kiệm được điện khi ít phải dùng điều hòa.
1.5 Lắp các thiết bị cảm biến chuyển động để tránh lãng phí điện.
Nếu bạn và những người thân trong gia đình thường hay quên tắt đèn sau mỗi lần sử dụng xong thì lắp thiết bị phát hiện chuyển động là một giải pháp rất cần thiết. Thiết bị này sẽ tự động bật đèn khi có người di chuyển vào khu vực cảm ứng, còn khi người rời đi hoặc khi không có người thì đèn sẽ tự động tắt => Giúp tránh được tình trạng quên tắt đèn gây lãng phí điện.

Tiết kiệm điện bằng cách sử dụng các thiết bị cảm biến
Việc lắp đặt các thiết bị cảm biến chuyển động bật/tắt đèn, có thể giúp gia đình bạn cắt giảm được đáng kể lượng điện lãng phí hàng tháng đó.
Hiện nay trên thị trường thiết bị này rất phổ biến. Có 2 loại chính là công tắc cảm biến người và đèn kết hợp cảm biến người. Tùy nhu cầu mà bạn có thể sử dụng một trong hai loại.
1.6 Sơn tường và sử dụng vật dụng trong nhà có tông màu sáng
Việc sử dụng màu sơn của tường hay là các nội thất trong nhà có tông màu sáng cũng mang đến những hiệu quả mà bạn không thể ngờ tới trong việc tiết kiệm điện.

Sử dụng tông mầu sáng sẽ giúp tiết kiệm điện hơn
Tông màu sáng của tường hay các thiết bị nội thất trong nhà sẽ giúp phản ánh sáng tốt hơn. Ngôi nhà của bạn luôn sáng và thoáng đãng, qua đó bạn sẽ hạn chế việc bật đèn.
Căn phòng có tông màu sáng sẽ ít bị hấp thụ nhiệt hơn căn phòng tối.
1.7 Thiết kế kiến trúc ngôi nhà đảm bảo tận dụng được ánh sáng và lấy gió tự nhiên.
Sử dụng nhiều cửa sổ để lấy ánh sáng và lấy gió tự nhiên. Tuy nhiên hiện nay giá đất tại Việt Nam lên rất cao so với mặt bằng thu nhập của người dân. Đặc biệt là các thành phố lớn giá đất rất đắt đỏ, mọi người rất khó để sở hữu lô đất có diện tích lớn. Vì thế khó lắp đặt được nhiều cửa sổ để lấy ánh sáng.
Ngay từ giai đoạn lên ý tưởng thiết kế kiến trúc cho ngôi nhà bạn đã phải tính toán đến việc làm sao để tận dụng tối đa ánh sáng và gió tự nhiên. Nếu bạn không có chuyên môn để tính toán được việc này thì bạn nên bỏ tiền để thuê các Công ty thiết kế để họ thiết kế cho bạn. Giúp bạn tối ưu không gian và tối ưu chi phí vận hành.

Tận dụng ánh sáng và gió tự nhiên để tiết kiệm điện
1.8 Sử dụng tường cách nhiệt.
Ở các vùng ngoại thành, nông thôn có nhiều diện tích đất. Các ngôi nhà được xây tường bao dày 220mm hoặc 330mm. Bức tường dày có tác dụng ngăn nhiệt rất tốt làm cho không gian ngôi nhà mát hơn. Vì thế điều hòa ít phải hoạt động hơn nên tiết kiệm được điện năng. Tường 220mm còn có tác dụng chống thấm tốt hơn rất nhiều so với tường 110mm.
Nhược điểm của các bức tường dày 220mm, hoặc 330mm là chi phí cao và tốn nhiều không gian. Tại các thành phố lớn đa số vẫn sử dụng tường 110mm để tiết kiệm không gian và giảm chi phí đầu tư.

Sủ dụng tường bê tông xốp để làm vách ngăn và cách nhiệt
Ngày nay đã có công nghệ vật liệu mới là tường bê tông xốp. Tường bê tông xốp ra đời giúp giải quyết đồng thời cả 2 bài toán là chống nóng và tiết kiệm không gian. Bức tường này chỉ tương đương với chiều dày của tường 110 nhưng tác dụng chống nóng thì tương đương với tường 220mm.
1.9 Làm chống nóng cho mái.
Ở trên chúng tôi đã đề cập đến sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời. Các tấm pin này ngoài tác dụng sản sinh ra điện nó còn có tác dụng chống nóng mái rất tốt vì nó hấp thụ phần lớn nhiệt năng từ mặt trời.
Nhưng nếu bạn không có điều kiện để lắp tấm pin năng lượng mặt trời thì có thể dùng các vật liệu chống nóng như xốp. Nếu mái nhà bạn đang là mái bê tông có thể làm thêm mái tôn bên trên vừa chống nóng vừa có thêm không gian.
1.10 Lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời.
Ngày nay thói quen sinh hoạt thay đổi khá nhiều so với trước. Ngay cả mùa hè nóng bức nhiều người vẫn sử dụng nước nóng khi tắm. Việc thường xuyên sử dụng bình nước nóng sẽ tiêu tốn lượng điện đáng kể.
Lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời sẽ tận dụng được năng lượng của mặt trời làm nóng nước, và hoàn toàn không cần dùng đến điện. Bạn sẽ tiết kiệm được kha khá tiền điện hàng tháng đấy.

Lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện
1.11 Lắp đặt máy nước nóng trung tâm heatpump.
Máy nước nóng trung tâm Heatpump là công nghệ làm nóng nước tiên tiến tiết kiệm đến 75% điện năng so với dùng bình nước nóng cục bộ.
Nếu gia đình bạn có đông người cần phải dùng nhiều nước nóng thì việc lắp đặt máy nước nóng trung tâm heatpump là giải pháp hợp lý. Là giải pháp giúp tiết kiệm điện năng, đảm bảo đủ nước nóng cho gia đình bạn sử dụng liên tục. Và đặc biệt giải pháp này rất an toàn không lo bị điện giật.

Lắp đặt máy nước nóng trung tâm để tiết kiệm điện
Tìm hiểu thêm về hệ thống nước nóng trung tâm tại đây.
1.12 Sử dụng sơn cách nhiệt (sơn chống nóng) cho ngôi nhà của bạn.
Các bạn có thể phun sơn chống nóng cho tường ngoại thất. Nhiều người còn phun sơn chống nóng trên cả mái nhà để cách nhiệt.
Sử dụng sơn chống nóng tường nhà cách nhiệt có ưu điểm nổi trội hơn cả về hiệu năng, chi phí, tính tiện lợi dễ thực hiện. Sơn chống nóng hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại để chúng ta dễ dàng lựa chọn. Để tiết kiệm chi phí chúng ta có thể sơn lên những tiếp giáp trực tiếp với nguồn nhiệt. Không cần thiết phải sơn chống nóng toàn bộ công trình. Độ dày lớp sơn càng lớn thì hiệu quả cách nhiệt càng tăng. Các xét nghiệm cho thấy với 2 lần phủ có thể đạt độ dày 300 micron và hiệu quả cách nhiệt đạt yêu cầu. Việc này giúp giảm nhiệt độ bề mặt dưới mái tôn khoảng 12-25 độ C.
1.13 Phủ xanh cho công trình
Cây xanh, mặt nước luôn là những yếu tố không thể thiếu, song hành cùng công trình kiến trúc. Chúng là những nhân tố hữu hiệu trong các cách chống nóng cho nhà ở. Trên quy mô tổng thể, trồng nhiều cây sẽ có phạm vi ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, điều đó rất khó thực hiện đối với nhà ở đô thị có diện tích chật hẹp.

Trồng nhiều cây xanh để giảm bức xạ nhiệt mặt trời
Chúng ta có thể trồng cây leo trên tường, thiết kế vườn – mặt nước trên mái. Dưới sàn nhà có thể đan xen cây cảnh với những bể nước nhỏ, thả cá hoặc hoa để tạo sự cân bằng về mặt phong thủy. Giải pháp này thường được các nhà đầu tư bất động sản lưu ý với chủ ngôi nhà vì dễ thực hiện và gần gũi với tự nhiên.
Tận dụng cây xanh để làm giảm bức xạ mặt trời, giảm dùng điều hòa. Vì thế đây là cách tiết kiệm điện hiệu quả và thân thiện môi trường. Nếu gia đình bạn có điều kiện nên thực hiện việc này.
1.14 Làm giếng trời.
Với nhà ống không thể làm cửa sổ để lấy ánh sáng, lấy gió được vì thế nên làm thêm các giếng trời. Giếng trời này có tác dụng lấy ánh sáng và gió tự nhiên đưa vào trong không gian nhà bạn. Có ánh sáng tự nhiên, bạn giảm bớt được các bóng điện chiếu sáng. Gió tự nhiên làm phòng thoáng mát hơn, ít phải dùng quạt hơn, điều hòa cũng được giảm tải vì thế bạn sẽ tiết kiệm được khá nhiều tiền điện nhờ giếng trời đấy.
Việc dành một diện tích phù hợp cho thông gió và đưa ánh sáng vào nhà, dù diện tích có bị thu hẹp, là rất cần thiết. Điều này sẽ tạo ra một không gian sống thoải mái hơn.

Thiết kế sử dụng giếng trời để làm thoáng cho ngôi nhà, giảm sử dụng điên
Thông thường, phần lỗ thông thoáng phải chiếm 10-15% diện tích xây dựng. Giếng trời đặt giữa nhà để khai thác tối đa hiệu quả, kết hợp với khu vực cầu thang để không bị mất diện tích, lại có ánh sáng tự nhiên cho lối đi.
Ngoài ra, phải đặc biệt chú ý đến luồng lưu thông. Khi thiết kế, để tăng công năng của giếng trời vật liệu sử dụng là mái bằng kính hay mái nhựa thông minh có khung sắt bảo vệ. Chúng ta cũng có thể bố trí tiểu cảnh nước nhỏ ở khu vực giếng trời, giảm bức xạ nhiệt chống nóng cho nhà.
1.15 Chặn ánh nắng qua cửa sổ bằng rèm cửa hoặc dán cách nhiệt cho kính.
Rèm cửa và màn che không chỉ là vật trang trí nhà cửa, mà còn có thể giúp bạn tiết kiệm tiền điện vào mùa hè. Biết cách tận dụng chúng sẽ làm cho ngôi nhà mát mẻ hơn và ít bị nóng lên dưới ánh nắng gay gắt.
Có hai lựa chọn cho phương pháp này là dùng rèm và màn (mành). Khi cửa được đóng lại và rèm / màn được kéo xuống hoàn toàn, nhà bạn có thể giảm được tới 45% mức tăng nhiệt.

Sử dụng rèm cửa để giảm bức xạ mặt trời và tiết kiệm điện
Hoặc nếu có điều kiện thì dán thêm fim cách nhiệt lên tấm kính cửa sổ. Các tấm này có tác dụng rất lớn ngăn nhiệt gia tăng trong phòng.
1.16 Kiến trúc lệch tầng và dùng vách ngăn linh động
Nhà ống thường hẹp chiều ngang nên phải cắt ngang, cách ly giữa các phòng lên trông đơn điệu. Sự ngăn cách này không hợp văn hóa sinh hoạt gia đình người Việt thường quây quần trong một không gian chung. Kiến trúc lệch tầng là một trong những cách chống nóng cho nhà. Nhà lệch tầng giải quyết vấn đề thông thoáng và ánh sáng cho kiểu nhà ống đơn giản.

Sử dụng kiến trúc lệch tầng để tiết kiệm không gian và điện năng
Tuy nhiên, chúng ta hạn chế sử dụng tường kiên cố làm vách ngăn để phân chia không gian. Làm như thế sẽ tạo nên những chiếc hộp nhỏ trong những chiếc hộp lớn, đồng thời lại không có sự đối lưu cho toàn mặt bằng. Trong trường hợp này nên sử dụng vách ngăn “hờ”. Tức là vách ngăn linh động, có thể là các bức bình phong hoặc sử dụng ngay đồ nội thất. Cách làm này vừa tạo tầm nhìn rộng hơn lại tạo ra sự lưu thông không khí trong nhà. Giúp giảm việc sử dụng đèn chiếu sáng, điều hòa và tiết kiệm được lượng điện đáng kể.
1.17 Nếu có thể hãy bố trí một phòng hai cửa sổ.
Nhiều nhà mở cửa sổ, cửa đi sai cách nên không khí khó lưu thông. Khí thải và hơi nóng không thoát ra được, khó trao đổi khí mát từ ngoài vào. Để không gian sống trở nên mát mẻ và thoáng đãng hơn vào mùa hè, ngôi nhà của bạn phải luôn có một cửa sổ mở cho gió thổi vào và một cửa sổ khác được mở cho gió ra khỏi nhà. Khi có những cơn gió thổi qua sẽ làm cho nhà mát mẻ hơn. Bạn cũng không nên sắp xếp các đồ dùng bằng gỗ cao lớn như tủ gỗ bởi nó sẽ làm cản hướng gió thổi hoặc bít các cửa sổ.
Cách chống nóng hiệu quả nhất là bạn nên lắp đặt các cửa sổ theo nhiều kích cỡ khác nhau. Ví dụ như cửa có cánh kéo lên, hạ xuống hay cửa kéo một bên phù hợp với các loại nhà nhỏ. Cửa sổ thuộc loại mở hết đối với nhà có diện tích rộng tạo điều kiện cho gió vào nhà.
1.18 Sử dụng logia, thay vì ban công
Hiện nay các khu nhà mặt phố hay nhà liền kề rất hay sử dụng ban công hoặc logia. Bởi các gia chủ có xu hướng ưa chuộng khoảng không gian này để gần với thiên nhiên.
Tuy nhiên, để tránh nóng và tiết kiệm điện thì các bạn nên áp dụng logia hơn cả. Bởi logia được xây thụt vào thay vì nhô ra ngoài trời như ban công. Điều này giúp cho logia hưởng được gầm sàn ở phía tầng trên làm mái che nắng.
Từ đó giảm tác động trực tiếp của mặt trời vào không gian ở.

Sử dụng logia để tiết kiệm điện hơn
1.19 Lựa chọn vị trí lắp đặt giàn nóng điều hòa tránh ánh nắng trực tiếp.
Mặt trời sẽ làm giàn nóng điều hòa chạy tăng công suất lên mới đủ để làm mát. Đồng thời sẽ tiêu thụ điện năng nhiều hơn đáng kể nếu so với lắp ở vị trí thoáng mát không có ánh mặt trời.
Mặc dù lớp vỏ ngoài của điều hòa được thiết kế và xử lý đặc biệt. Nó không sợ các điều kiện khắc nghiệt ngoài môi trường. Nhưng khi hoạt động ở tần suất cao thì nó sẽ đẩy nhanh quá trình tản nhiệt, và điều đó có thể gây hư hỏng nếu gặp trực tiếp ánh nắng mặt trời. Chính vì vậy, thay vì đặt điều hòa ở hướng tây thì bạn nên sử dụng các hướng khác để tăng tuổi thọ của điều hòa và giảm tiêu hao điện.
1.20 Sử dụng điều hòa trung tâm thay vì dùng điều hòa cục bộ.
Nếu như nhà bạn có nhiều phòng hoặc dự án tòa nhà văn phòng cần lắp đặt nhiều giàn lạnh điều hòa thì lên lắp đặt điều hòa trung tâm. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu có cao hơn dùng điều hòa cục bộ khoảng 40% nhưng lượng điện tiết kiệm được từ 20~30% lượng điện năng tiêu thụ. Hơn nữa tuổi thọ của máy điều hòa trung tâm cao hơn nhiều so với máy cục bộ.
Máy điều hòa trung tâm cũng ít phải bảo trì hơn máy điều hòa cục bộ vì thế bạn cũng tiết kiệm được kha khá tiền hàng năm.
1.21 Bố trí công năng hợp lý.
Hướng Tây là hướng tiếp xúc nhiều nắng nóng và bức xạ từ mặt trời. Bởi vậy chúng tôi thường khuyên khách hàng nên thiết kế những khoảng không gian phụ trợ như hành lang, cầu thang, nhà kho…. vào hướng Tây. Bởi các khoảng không gian này ít được sử dụng, nên ta có thể tránh được ánh nắng và nhiệt lượng của mặt trời. Hoặc cũng có thể bố trí các hộp kỹ thuật, khe lấy sáng vào hướng Tây.
Lắp hệ thống phun nước cho mái nhà tôn lợp mái

Đối với những ngôi nhà được lắp mái tôn kim loại thì đương nhiên sẽ nhận được lượng nhiệt “rất lớn” từ mặt trời.
Để cải thiện sự nóng bức này, các bạn có thể lắp hệ thống phun nước lên mái. Điều này giúp giảm nhiệt rất nhanh chóng. Tuy nhiên chi phí lắp và sử dụng khá cao và tốn nước.
Có 1 mẹo là các bạn lắp máng xối và để nước chảy vào 1 bồn nhỏ. Nước trong bồn này sẽ được hút ngược và cho chảy lên lại theo 1 vòng tuần hoàn.
1.22 Lắp đặt quạt trần.
Cần chú ý đến diện tích và cấu tạo căn phòng để bố trí số lượng quạt cho hợp lý. Theo nguyên lý, dùng một quạt trần sẽ tiết kiệm điện hơn nhiều so với dùng nhiều quạt nhỏ khác. Tuy nhiên với cấu trúc căn nhà không thể dùng duy nhất quạt trần thì phải dùng thêm quạt bàn.
Quạt trần làm mát giảm nhiệt độ trong phòng và ít tiêu tốn điện năng so với điều hòa.

Quạt trần AC đẹp và tiết kiệm điện
1.23 Lắp đặt hệ thống cấp thoát nước đúng kỹ thuật.
Triển khai thi công hệ thống cấp thoát nước đúng kỹ thuật, thực hiện đầy đủ quy trình thi công. Việc này giúp hệ thống vận hành an toàn. Bởi vì nếu không làm tốt thì hệ thống có thể bị rò rỉ gây lãng phí nước và điện.
Lắp đặt van phao điện để điều khiển bơm tự động, tự động bật khi két mái hết nước, tự động tắt khi bể đầy nước.
1.24 Lựa chọn lắp đặt bình nước nóng phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Nếu như bạn dùng ít nước nóng và không có tiền đầu tư lắp đặt máy nước nóng năng lượng mặt trời hoặc heatpum thì chọn giải pháp lắp đặt bình nước nóng cục bộ.
Bạn chọn dung tích bình phù hợp để tiết kiệm điện mà vẫn đáp ứng nhu cầu sử dụng cho gia đình. Trên thị trường có các bình nước nóng trực tiếp và gián tiếp. Bình gián tiếp đang được sử dụng nhiều phổ biến vì nó an toàn hơn. Bình nước nóng gián tiếp có các dung tích là 15L, 20L, 30L, 50L. Bình dung tích càng lớn thì tiêu thụ điện càng nhiều. Nhưng nếu dùng bình quá nhỏ mà phải dùng nước nhiều thì lại không đủ nước nóng để dùng.
Nếu trong nhà vệ sinh chỉ có 1 người sử dụng chỉ cần lắp bình 15 L là đủ. Với nhà trung bình có 4 người sử dụng nước vừa phải thì lắp 1 bình 30 L là đủ. Với nhà vệ sinh dùng bồn tắm thì cần phải lắp đặt bình 50L mới đáp ứng được yêu cầu.
1.25 Lựa chọn sơ đồ cấp nước phù hợp để tiết kiệm điện.
Mới nghe bạn thấy nó chẳng liên quan tới việc tiết kiệm điện tí nào cả. Nhưng thực tế lại rất liên quan đấy bạn nhé.
Nếu như tính toán lựa chọn phương án cấp nước không tốt bạn sẽ phải dùng đến máy bơm nước nhiều. Mà máy bơm nước sẽ tiêu tốn của bạn khá nhiều điện đấy. Cần phải tính toán lựa chọn máy bơm cấp nước lên mái, máy bơm tăng áp phù hợp. Nếu có thể lợi dụng địa thế, lợi dụng áp lực nước sẵn có của thành phố bạn sẽ không cần dùng đến bơm.
Vì thiết kế hệ thống cấp nước trong nhà rất quan trọng nếu bạn muốn tối ưu chi phí. Tốt nhất khi bạn xây nhà phần điện nước nên giao cho đơn vị thi công điện nước chuyên nghiệp như baotricodien.vn. Chúng tôi có đội ngũ kỹ sư dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp bạn giải bài toán này.
1.26 Không sử dụng bồn tắm.
Bồn tắm tốn khá nhiều diện tích trong phòng vệ sinh. Việc sử dụng bồn tắm rất tốn nước, tốn cả nước nóng và nước lạnh. Dẫn đến tốn nhiều điện cho việc làm nóng nước và bơm nước. Vì thế nếu bạn ít có nhu cầu ngâm mình trong nước thì chúng tôi khuyên bạn không lên lắp đặt bồn tắm.
1.27 Lắp đặt loại bồn cầu xả ít nước hoặc có 2 nút nhấn.
Sử dụng bồn cầu xả ít nước sử dụng không quá 6 lít nước mỗi lần xả. Trong khi các loại thông thường dùng lượng nước gấp 3 hoặc 4 lần. Với bồn cầu 2 nút nhấn, bạn ấn nút nhỏ để xả nước tiểu và ấn nút to để xả phân.
- Bạn có thể mua bộ xả nước bồn cầu 2 nút nhấn để chuyển đổi bồn cầu tốn nước ở nhà thành loại tiết kiệm nước hơn. Lên mạng tìm các thiết bị như SelectAFlush và TwoFlush. Các sản phẩm này đều có chất lượng tốt và giúp bạn tiết kiệm tiền.
- Không phải bồn cầu nào cũng hoạt động tốt khi giảm lượng nước xả. Bạn cần kiểm tra xem bồn cầu nhà bạn hoạt động thế nào. Nếu bồn cầu không xả sạch khi giảm lượng nước thì nghĩa là nó cần nhiều nước hơn.
- Vì tiết kiệm được nước nên máy bơm ít phải hoạt động nên cũng tiết kiệm được điện.
1.28 Lắp đặt các quạt thông gió
Điều này rất cần thiết vì nó giúp tống khứ luồng không khí nóng do nấu ăn hoặc sau khi bạn tắm ra ngoài căn nhà của bạn.
Lý tưởng nhất là tạo sự thông gió từ dưới lên trên. Sau khi tắm, hãy bật quạt thông gió thêm 20-30 phút để không khí nóng thoát bớt ra ngoài. Hãy thoải mái bật quạt thông gió và đừng lo lắng về chi phí vì quạt thông gió tiêu thụ lượng điện rất thấp. Nhưng nó giúp không gian nhà bạn thông thoáng hơn và bạn đỡ phải dùng đến quạt và điều hòa khác.
II. Giải pháp tiết kiệm điện bằng việc lựa chọn thiết bị ít tiêu hao điện.
2.1 Sử dụng loại đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng.
Nếu nhà bạn đang sử dụng bóng đèn sợi đốt hoặc bóng đèn huỳnh quang thì nên thay chúng bằng bóng đèn Led. Đèn Led đang được sử dụng rất phổ biến hiện nay vì ưu điểm tiết kiệm điện vượt trội và độ bền rất lâu của nó so với các loại đèn khác.
Đèn Led tiết kiệm đến 80% điện năng tiêu thụ. (Một bóng Led công suất 5W tương đương với một bóng dây tóc công suất 40W và tương đương một bóng Compact 15W). Không chỉ thế, đèn LED còn có tuổi thọ cao hơn hẳn các nguồn sáng khác trên thị trường hiện nay. Trong khi đèn sợi đốt có tuổi thọ chỉ từ 800 – 1.500 giờ, đèn huỳnh quang kéo dài tới 5.000 giờ. Thì đèn LED có tuổi thọ đến 50.000 giờ. Tìm hiểu thêm về bóng đèn Led tại đây
2.2 Sử dụng các sản phẩm tiết kiệm điện có dán nhãn năng lượng
Khi chọn mua các thiết bị điện, bạn nên lưu ý xem nhãn năng lượng tiết kiệm điện trên mỗi sản phẩm. Nhãn do Bộ Công Thương quy định theo từng thời kỳ. Dựa vào các thông số được ghi trên nhãn năng lượng, bạn có thể dễ dàng so sánh và lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện phù hợp cho gia đình.

Bạn có thể dễ dàng lựa chọn sản phẩm tiết kiệm điện dựa vào nhãn năng lượng
Cách xem nhãn năng lượng: có rất nhiều chỉ số trên nhãn dán năng lượng nhưng bạn chỉ cần để ý đến số lượng sao và hiệu suất năng lượng được ghi trên nhãn.
Có tổng cộng 5 mức xếp hạng từ 1 đến 5 sao tương ứng với 5 mức tiết kiệm điện. Số sao càng nhiều sản phẩm đó càng tiết kiệm điện năng tiêu thụ hơn. Nhưng giữa 2 sản phẩm đạt 5 sao nhãn năng lượng tiết kiệm điện, bạn nên xem xét thêm chỉ số hiệu suất năng lượng (EER). Thiết bị điện nào có hiệu suất năng lượng cao hơn sẽ cho khả năng tiết kiệm điện hơn.
2.3 Nồi cơm điện
– Hãy chọn mua loại nồi cơm điện phù hợp với nhu cầu của gia đình, nồi có công suất và dung tích nhỏ thường tiết kiệm điện hơn.
– Dùng nước nóng nấu cơm có thể tiết kiệm 30% điện năng. Nên nấu cơm trước khi ăn từ 30 – 45 phút để hạn chế thời gian hâm nóng. Khi nấu không mở nắp nồi và hạn chế hâm cơm liên tục sẽ nhanh làm hỏng nam châm bên trong, khiến rơ le bật tắt không chính xác.
– Lau khô mặt ngoài của xoong nấu trước khi đặt vào nồi để giữ sạch đĩa nhiệt và bộ cảm ứng nhiệt. Thường xuyên lau chùi đáy nồi, mâm nhiệt.
2.4 Lò vi sóng
Lò vi sóng là thiết bị tiêu tốn khá nhiều điện năng:
– Không nên bật lò vi sóng khi trong phòng có máy lạnh hoặc đặt gần các đồ điện khác.
– Đồ đựng thực phẩm trong lò phải bằng thủy tinh, đồ sứ hoặc gốm. Tránh dùng đồ kim loại vì chúng hút nhiệt, làm thực phẩm lâu chín, gây hao điện và có thể làm cháy nổ lò.
– Luôn đóng kín cửa lò khi hoạt động để tránh thất thoát vi sóng ra ngoài, làm giảm hiệu quả của lò và tốn điện.
2.5 Bếp điện
Bếp điện từ hoặc bếp hồng ngoại ngày càng được nhiều chị em nội trợ sử dụng để nấu nướng vì sự tiện dụng và an toàn. Một vài “chiêu” sau đây sẽ giúp bạn hạn chế bớt lượng điện năng tiêu thụ khi dùng bếp điện:
– Khi quá trình đun nấu sắp kết thúc, bạn hãy tắt bếp sớm trước vài phút vì lượng hơi nóng còn lại trên bếp cũng có thể giúp thức ăn chín hoàn toàn. Cách làm này rất thích hợp với các món xào và hầm.
– Bếp điện có khả năng đốt nóng xoong, chảo nhanh hơn bếp gas nên bạn không nên dùng chế độ nhiệt cao nhất khi đun nấu, vừa làm cháy xoong nồi vừa gây tốn điện. Thay vào đó, hãy cài đặt chế độ nhiệt thấp khi nấu nướng để đảm bảo an toàn và tiết kiệm điện.
2.6 Bình đun siêu tốc
Vì có công suất lớn nên bình đun siêu tốc thường tiêu hao một lượng điện năng đáng kể. Để sử dụng bình đun siêu tốc sao cho tiết kiệm điện, bạn cần phải:
Chọn mua bình đun siêu tốc có dung tích phù hợp với nhu cầu của gia đình để tránh việc đun nước nhiều lần trong ngày gây lãng phí điện
Thường xuyên lau chùi bình sạch sẽ, không để bám cặn, rỉ sét.
Khi đun nước, đậy nắp vung thật kín để nước nhanh sôi và điện tự ngắt khi đủ nhiệt độ 100oC, tránh đun trong phòng có điều hòa hoặc để trước luồng gió của quạt.
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, không di chuyển khi bình đang đun nước.
2.7 Sử dụng bình lưu trữ nước nóng (Phích nước).
Sử dụng các bình lưu trữ nước nóng (Phích nước) là việc làm cần thiết để tiết kiệm điện. Không nên dùng ấm nước nóng siêu tốc quá nhiều lần trong ngày. Việc đun đi đun lại nước nóng nhiều lần vừa gây tốn điện vừa ảnh hưởng tới sức khỏe.
2.8 Máy nước nóng
Lựa chọn bình nước nóng có dung tích phù hợp với nhu cầu gia đình. Dung tích càng lớn thì càng tiêu hao nhiều điện năng. Ví dụ: Đối với hộ gia đình có 4 người thì nên lắp loại bình 20 lít là vừa đủ.
Chỉ nên bật máy nước nóng 10 – 15 phút trước khi tắm, không nên bật 24/24 để tránh lãng phí.
Thường xuyên bảo trì bình nóng lạnh để đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng lâu dài.
2.9 Máy giặt.
Chọn mua máy giặt có công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình.
Hãy giặt số lượng quần áo phù hợp với công suất của máy
Chọn chế độ “tiết kiệm” nếu có, không chọn chế độ nước nóng nếu thực sự không cần thiết.
Nên đặt máy ở nơi thông gió, thoáng khí.
Vệ sinh định kỳ cho máy giặt để tránh vi khuẩn sinh sôi và hạn chế hỏng hóc khi sử dụng.
2.10 Máy lạnh
Máy lạnh là vật dụng tiêu thụ điện nhiều nhất trong số các thiết bị điện của gia đình.
– Chọn mua máy lạnh có công suất phù hợp với căn phòng. Nếu phòng nhỏ mà máy lạnh công suất lớn sẽ gây lãng phí điện, ngược lại, công suất nhỏ cho phòng lớn sẽ khiến thiết bị phải làm việc nhiều, tiêu tốn điện năng và giảm tuổi thọ nhanh chóng.
– Hãy mở nhiệt độ trên mức 25°C. Cứ cao hơn 10°C là bạn đã tiết kiệm được 10% điện năng rồi đấy!
– Thường xuyên vệ sinh và lau chùi bộ phận lọc của máy lạnh, bạn sẽ tiết kiệm được 5 – 7% điện năng tiêu thụ
– Chỉ dùng máy lạnh khi thật cần thiết. Thay vào đó, bạn có thể mở toang cửa sổ để đón gió và không khí trong lành ngoài trời, rất tốt cho sức khỏe.
2.11 Tủ lạnh.
Tủ lạnh là một thiết bị gia dụng sử dụng liên tục, không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể áp dụng những mẹo nhỏ để tiết kiệm điện năng mỗi tháng. Trước hết, bạn nên chọn mua tủ lạnh có dung tích phù hợp với nhu cầu sử dụng của cả gia đình. Ví dụ như nhà 4 người có thể chọn tủ có dung tích từ 160 – 200 lít. Nên chọn mua tủ lạnh có công nghệ inveter. Và chọn tủ có vách dày cách nhiệt tốt để hạn chế tiêu hao điện.
2.12 Máy lọc nước.
Ngày nay máy lọc nước đã trở thành thiết bị không thể thiếu trong gia đình. Khi chọn mua máy lọc nước ngoài việc quan tâm tới chất lượng của máy lọc nước bạn cũng nên quan tâm tìm hiểu công suất tiêu thụ điện của máy.
Hiện nay trên thị trường có nhiều máy lọc nước với các công nghệ lọc khác nhau. Có loại dùng điện, có loại không dùng điện, bạn dễ dàng lựa chọn máy ưng ý.
Tìm hiểu về máy lọc nước công nghệ RO và Nano tại đây
III. Giải pháp tiết kiệm điện trong quá trình sử dụng.
3.1 Rút ổ cắm các thiết bị điện khi không sử dụng.
Bạn nên biết rằng, với các thiết bị điện như là máy giặt, bếp điện cả laptop hay sạc pin điện thoại thì dù cho bạn không sử dụng nhưng khi cắm nguồn thì nó vẫn đang tiêu tốn một lượng điện năng nhất định trong ngôi nhà của bạn. Vì thế, hãy rút tất cả các phích cắm của thiết bị nếu như bạn không sử dụng.
3.2 Tận dụng tối đa nguồn ánh sáng và nguồn gió tự nhiên
Khi bạn ở nhà thì mở các cánh cửa sổ, cửa chính để gió và ánh sáng tự nhiên vào. Việc này giúp nhà thông thoáng mát mẻ hơn. Thay vì bật đèn vào ban ngày, bật điều hòa thường xuyên để làm mát thì bạn nên tận dụng gió và ánh nắng vừa tiết kiệm điện vừa có lợi cho sức khỏe.
Ngoài ra việc không phải sử dụng đèn và điều hòa thường xuyên, liên tục sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của đèn và điều hòa.
3.3 Tắt hết các thiết bị điện trước khi ra ngoài
Một cách tiết kiệm điện vô cùng đơn giản và hiệu quả đó là: Trước khi ra ngoài bạn kiểm tra và tắt hết các thiết bị điện khi không sử dụng. Việc làm này sẽ tránh lãng phí nguồn điện không cần thiết, bảo vệ năng lượng và tiết kiệm tiền bạc cho gia đình.
3.4 Đóng hết các cửa và bịt kín khe hở khi sử dụng điều hòa.
Có lẽ bạn không để ý, nhưng không khí lạnh trong nhà vẫn đang thoát ra ngoài các kẽ cửa sổ dù là rất nhỏ. Nó khiến cho lượng không khí mát trong nhà bị hao hụt khi bạn đang sử dụng điều hòa.
Vì thế, bạn nên dành một ngày để kiểm tra lại các vị trí trên tường nhà, nhất là nơi cửa sổ để có thể bịt kín lại các khe hở, lỗ hổng đó bằng cách dùng súng bắn keo. Nhờ vậy mà tiền điện hàng tháng sẽ tiết kiệm đáng kể cho bạn đấy.
3.5 Thường xuyên bảo trì và vệ sinh điều hòa.
Điều hòa sau một thời gian hoạt động sẽ bị bám bụi. Lớp bụi càng nhiều thì càng làm giảm hiệu suất làm mát của điều hòa. Vì thế phải thường xuyên vệ sinh, đặc biệt là lọc gió của điều hòa giúp tăng hiệu suất làm lạnh của điều hòa, vừa giúp tiết kiệm điện một cách tối đa trong quá trình sử dụng.
3.6 Sử dụng kết hợp cả điều hòa và quạt làm mát trong phòng.
Nhiều người có thói quen để nhiệt độ điều hòa giảm sâu để phòng thật mát. Việc này làm cho điều hòa hoạt động hết công suất gây tốn điện năng hơn nhiều. Thay vì đó hãy để nhiệt độ điều hòa ở mức vừa phải tầm 24~26 độ và dùng thêm quạt nữa. Vừa giúp tiết kiệm điện năng và không bị sốc nhiệt khi di chuyển ra bên ngoài.
Khi bật điều hòa sử dụng kết hợp với quạt điện còn giúp không khí lưu thông tốt. Gió quạt cũng làm cho phòng nhanh chóng mát hơn. Sử dụng quạt gió cũng sẽ giúp tránh cảm giác khô, bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình. Khi dùng thêm quạt điện thì điều hòa không cần phải giảm sâu nhiệt độ. Do đó sẽ tiết kiệm được điện năng nhiều hơn.
3.7 Tiết kiệm điện bằng cách không để thiết bị điện ở trạng thái chờ.
Nhiều người cho rằng khi để các thiết bị điện ở trạng thái chờ thì sẽ không tốn điện. Nhưng thực tế là các thiết bị điện vẫn âm thầm tiêu hao năng lượng điện nhà bạn. Chính vì thế, khi không có nhu cầu sử dụng thì bạn nên tắt nguồn của thiết bị điện đi nhé. Nên rút hẳn khỏi ổ cắm vừa tránh tiêu hao điện vừa đảm bảo an toàn chống cháy nổ.
3.8 Sử dụng các thiết bị hẹn giờ để bật/tắt thiết bị điện gia dụng
Sẽ rất lãng phí điện nếu bạn quên tắt các thiết bị điện trong gia đình (quạt điện, máy nước nóng, máy bơm, hệ thống tưới cây…) sau khi sử dụng xong. Để giải quyết triệt để vấn đề đó thì bạn có thể dùng các thiết bị hẹn giờ, như: Công tắc điện hẹn giờ, ổ cắm điện hẹn giờ…
Thiết bị hẹn giờ sẽ giúp bạn có thể hẹn giờ để Bật/Tắt những thiết bị điện gia dụng trong nhà vào bất cứ thời gian mà bạn mong muốn. Tránh tình trạng thiết bị vẫn hoạt động khi bạn không có nhu cầu sử dụng, gây ra lãng phí điện.
3.9 Thay đổi sinh hoạt ở tầng trệt hay tầng thấp
Như ta đã biết thì không khí nóng luôn bay lên trên. Tầng trệt và tầng thấp là 1 trong những nơi mát mẻ nhất trong nhà khi trời nắng nóng.
Nếu nhà bạn không thể làm những việc trên thì hãy thay đổi nơi sinh hoạt xuống tầng trệt hoặc tầng thấp hơn. Bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhiều khi ở tầng trên của nhà ở.
3.10 Mẹo tiết kiệm điện khi dùng tủ lạnh
Đặt tủ lạnh tại các vị trí thoáng mát, không đặt sát tường. Khoảng cách ở cả 3 phía với tường không nên dưới 10 cm. Nên đặt cánh xa nguồn nhiệt như bếp, lò sưởi, nơi có nhiều ánh sáng mạnh
Nếu tủ lạnh không có nhiều đồ chứa thì chỉ nên để tủ ở chế độ làm lạnh bình thường hoặc thấp. Bạn nên sắp xếp các loại thực phẩm trong tủ một cách gọn gàng, có khe hở để khí lạnh lưu thông. Ngoài ra, tuyệt đối không cho đồ ăn nóng vào tủ lạnh, mà nên để nguội hẳn mới cho vào. Bạn có thể dùng đồ kim loại đựng thực phẩm thay hộp nhựa bởi kim loại dẫn lạnh nhanh, rút ngắn thời gian làm lạnh và ít tiêu hao điện năng hơn.
Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế việc đóng mở tủ lạnh thường xuyên và hãy thường xuyên vệ sinh tủ lạnh sạch sẽ. Đặc biệt là phần gioăng cao su ở cửa tủ luôn đóng kín, không để hơi lạnh thoát ra ngoài làm hao phí nguồn điện và khiến đồ ăn có nguy cơ bị hỏng.
3.11 Lên kế hoạch nấu nướng hợp lý.

Nhiệt lượng từ bếp hoặc nồi cơm điện chính là một trong những nguyên nhân gây nóng bức cho ngôi nhà của chúng ta. Nhất là đối với các căn hộ nhỏ hoặc nhà liền kề.
Bạn hãy thiết lập giờ giấc nấu nướng hợp lý để tránh không khí nóng bức và mùi thức ăn bay khắp nhà.
Hãy thử nấu vào buổi sáng, lúc thời tiết còn mát mẻ và cất thức ăn vào các hộp giữ nhiệt. Chỉ với các việc nhỏ vậy thôi bạn sẽ cảm thấy căn bếp luôn sạch sẽ và mát mẻ hơn bao giờ hết
3.12 Bí quyết tiết kiệm điện đối với điều hòa nhiệt độ
Điều hòa là một thiết bị điện tiêu thụ nhiều điện năng nhất trong gia đình. Do đó, nếu biết cách sử dụng thiết bị này hiệu quả có thể tiết kiệm một lượng điện lớn. Bạn hãy chọn máy lạnh có công suất phù hợp với căn phòng. Nên mua loại máy điều hoà có bộ điều chỉnh tự động bằng điện tử sẽ tiết kiệm cho bạn khoảng 30% điện năng. Khi sử dụng, bạn nên để nhiệt độ trên 25 độ C, bởi mức nhiệt cứ cao hơn 7 độ là bạn đã có thể tiết kiệm điện thêm 10%.
Để không bị tốn điện, bạn cũng nên thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng điều hòa định kỳ và lau chùi bộ phận lọc không khí của máy để cho không khí dễ lưu thông, tiết kiệm điện được đến 7% điện năng tiêu thụ đồng thời giúp tăng tuổi thọ sử dụng của sản phẩm. Lưu ý là không đặt điều hòa ở vị trí có nắng chiếu và chỉ nên sử dụng khi cần thiết. Có thể mở cửa sổ để đón gió tự nhiên và giúp căn phòng được thoáng khí.
3.13 Với máy giặt, làm thế nào để tiêu tốn ít điện năng?
Để sử dụng máy giặt tiết kiệm điện, bạn phải tìm hiểu kỹ các chế độ và chức năng của máy. Đảm bảo lắp đặt và sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi giặt, cho lượng quần áo vừa đủ với công suất máy, phân loại đồ giặt theo màu sắc, chất liệu vải, mức độ bẩn, lượng quy định với độ giặt cùng loại. Tuyệt đối không tăng khối lượng quần áo quá mức quy định.
Bạn có thể chọn chế độ tiết kiệm khi giặt và không sử dụng chế độ nước nóng nếu không thật sự cần thiết. Vệ sinh máy thường xuyên để tăng tuổi thọ cũng như giúp máy hoạt động tốt hơn. Đặc biệt, phải lưu ý tắt điện ngay sau khi không sử dụng. Quên tắt điện sẽ dẫn đến hư hỏng thiết bị hoặc tiêu thụ điện một cách vô ích.
3.14 Mẹo sử dụng tivi tiết kiệm điện hiệu quả
Chọn kích cỡ tivi phù hợp với căn phòng của mình vì tivi càng to sẽ càng tốn điện. Không nên để âm thanh quá lớn hay màn hình ở chế độ quá sáng vì độ sáng và độ tương phản càng cao, màu càng đậm thì càng tiêu hao nhiều điện và tuổi thọ đèn màn hình sẽ mau giảm hơn. Tắt tivi bằng cách ấn nút ở thân máy thay vì dùng điều khiển từ xa vì ở chế độ stand-by, tivi vẫn sẽ tiêu hao điện dù không nhiều. Hoặc rút hẳn nguồn điện tivi khi không sử dụng.
3.15 Bảo trì định kỳ hệ thống cơ điện.
Các thiết bị dùng điện trong nhà sau một thời gian sử dụng sẽ bị xuống cấp. Hiệu năng của các thiết bị bị giảm xuống khá nhiều gây nên tốn điện hơn so với ban đầu. Thực hiện công tác bảo trì thường xuyên và định kỳ sẽ giúp các thiết bị vận hành ổn định và giảm tiêu hao năng lượng.
Ngoài ra việc bảo trì hệ thống cơ điện còn giúp phát hiện các sự cố rò rỉ điện và rò rỉ nước. Đây có thể là nguyên nhân làm cho hóa đơn tiền điện nhà bạn tăng lên đáng kế.
IV. Tiết kiệm điện bằng cách lắp đặt và sử dụng các thiết bị thông minh trong ngôi nhà
4.1 Bóng đèn thông minh để tiết kiệm điện:

“Tắt đèn khi rời khỏi phòng” – lời nhắc này không còn cần thiết nếu bạn sử dụng đèn thông minh. Những chiếc bóng đèn thông minh xuất hiện từ năm 2006 và được xem là một trong những giải pháp tốt nhất để giảm thiểu chi phí năng lượng.
Bóng đèn thông minh có thiết kế tương tự bóng đèn thông thường. Nhưng chúng được tích hợp thêm Wi-Fi để giao tiếp với điện thoại hoặc máy tính qua một ứng dụng. Nó cho phép tùy biến nhiều thiết lập như thay đổi độ sáng tương ứng với từng thời điểm trong ngày. Hoặc đặt giờ bật đèn trong vài phút trước khi bạn thức dậy. Và thậm chí theo dõi vị trí của điện thoại để tất cả các đèn tự động tắt đi nếu bạn mang theo điện thoại ra ngoài.
4.2 Sử dụng máy giặt sấy thông minh.

Bộ máy giặt và máy sấy thông minh kết hợp các cảm biến trong nhà để xác định khi nào bạn đang ở nhà, ở công ty hay đang trong kỳ nghỉ để điều chỉnh chu kỳ giặt sấy hợp lý.
Tính năng hay ho nhất trên chiếc máy giặt thông minh là nó có thể giao tiếp với hệ thống smat home. Nó xác định có người ở nhà hay không sau khi quần áo đã được giặt xong. Nếu không có ai ở nhà, nó sẽ bật chế độ xoay trở chậm, làm khô bằng khí để giữ cho quần áo không bị ẩm mốc, tránh phải giặt lại lần nữa.
Trong khi đó, chiếc máy sấy có một tính năng gọi là “Airflow Alert”. Nếu máy phát hiện ra các khe thoát khí bị nghẹt khiến nó không thể hút không khí ẩm ra ngoài một cách hiệu quả. Nó sẽ cảnh báo cho bạn bằng tin nhắn hoặc email.
Cả máy giặt và máy sấy thông minh đều được tích hợp tính năng “Smart Delay”. Tức là chúng sẽ không hoạt động trong điểm điện năng tiêu thụ nhiều nhất. Ví dụ từ 3 giờ chiều đến 6 giờ tối là giờ cao điểm dùng điện thì máy sẽ không chạy. Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí cho bạn, tính năng này còn giúp giảm tải trên lưới điện vào giờ cao điểm.
4.3 Sử dụng thiết bị phòng bếp thông minh:
Các thiết bị trong phòng bếp ngày càng thông minh. Công nghệ mới trên các thiết bị cho phép chúng tự động hoạt động ở chế độ tiết kiệm điện. Chúng tự động thay đổi điện năng sử dụng dựa trên sự hiện diện của con người trong ngôi nhà.
Trên đây Baotricodien.vn vừa gửi tới các bạn các cách để giảm hóa đơn tiền điện. Hi vọng bài viết giúp ích được cho các bạn. Các bạn biết cách tiết kiệm điện khác hãy commen dưới đây để nhiều người biết và ứng dụng nhé.

