Những yêu cầu trong thi công hệ thống phòng cháy, chữa cháy
06/10/2020Thi công hệ thống phòng cháy, chữa cháy là giai đoạn cuối cùng trong quy trình đưa một hệ thống phòng cháy, chữa cháy vào vận hành trong thực tế. Đây cũng là giai đoạn phản ánh chất lượng của các giai đoạn chuẩn bị, thiết kế, đánh giá thực địa,…; và quan trọng nhất, nó quyết định hiệu quả hoạt động của hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Vì thế, công việc này đặt ra rất nhiều yêu cầu cho đơn vị thi công. Vậy để thi công hệ thống phòng cháy, chữa cháy; đơn vị thi công phải đáp ứng những yêu cầu nào? Hãy cùng baotricodien.vn tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này.

Nội dung chính
1. Yêu cầu thiết kế trong thi công hệ thống phòng cháy, chữa cháy
1.1. Thiết kế hệ thống
Để có thể thi công hệ thống phòng cháy, chữa cháy; một bản vẽ thiết kế chi tiết, đầy đủ, phản ánh cụ thể và rõ nét từng bộ phận trong hệ thống phòng cháy, chữa cháy cũng như hệ thống các thiết bị dùng trong hệ thống này là điều kiện tiên quyết.
Không chỉ đảm bảo đầy đủ yêu cầu kĩ thuật trong thiết kế hệ thống; bản vẽ cần chính xác với thực tế. Cũng có nghĩa, bản vẽ thiết kế phải thực sự phù hợp với các đặc điểm riêng về kiến trúc, xây dựng; và đáp ứng nhu cầu phòng cháy, chữa cháy của công trình.
1.2. Thẩm duyệt thiết kế hệ thống
Và cuối cùng, để một bản vẽ có thể thực sự trở thành cơ sở để tiến hành công việc thi công thì nó phải được thẩm duyệt bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đây là một nội dung quan trọng mà bất cứ ai hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ phòng cháy, chữa cháy hoặc người có nhu cầu lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy cho công trình của mình phải thực sự lưu ý.

2. Yêu cầu về thiết bị, dụng cụ trong thi công hệ thống phòng cháy, chữa cháy
Bên cạnh bản vẽ thiết kế, các loại thiết bị; dụng cụ phục vụ cho việc thi công phải đầy đủ, chính xác theo đúng yêu cầu. Vì từng thông số được thể hiện trên bản vẽ thiết kế đều được tính toán cẩn thận, gắn liền với chức năng và hiệu quả mong muốn nhất định. Một chút sai lệch ở những vị trí trọng yếu có thể dẫn đến những tác hại khôn lường.
Các thiết bị, dụng cụ trong thi công hệ thống có thể chia thành:
– Thiết bị, máy móc cần có trong hệ thống phòng cháy, chữa cháy như: trung tâm báo cháy, đầu báo cháy, nút ấn báo cháy, thiết bị báo bằng âm thanh và ánh sáng, các thiết bị liên kết và nguồn điện; hệ thống bơm, van khóa, đồng hồ đo áp suất, ống dẫn chất chữa cháy, đầu phun,…
– Các loại dụng cụ, thiết bị giúp thi công như: dụng cụ hàn xì, dây cáp treo hoặc giá đỡ ống dẫn chất chữa cháy, ròng rọc nâng ống lắp đặt trên cao, máy tiện để nối các ống lại với nhau,…
3. Yêu cầu về pháp lý trong thi công hệ thống phòng cháy, chữa cháy
Về điều kiện để thi công hệ thống phòng cháy, chữa cháy; đơn vị thi công phải đáp ứng các quy định về phòng cháy, chữa cháy cũng như quy định về hoạt động xây dựng, cụ thể:
Tổ chức thực hiện việc thiết kế, lắp đặt thiết bị phòng cháy, chữa cháy thì phải đáp ứng các điều kiện quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Trường hợp tổ chức thực hiện việc lắp đặt thiết bị vào công trình thì phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014, Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.
3.1. Điều kiện thi công hệ thống theo quy định của pháp luật
Điều kiện đối với doanh nghiệp, cơ sở thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy
– Người đứng đầu doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật của cơ sở phải có văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.
– Có ít nhất 01 chỉ huy trưởng thi công về phòng cháy và chữa cháy.
– Có địa điểm hoạt động và cơ sở vật chất, phương tiện; thiết bị, máy móc bảo đảm cho việc thi công, lắp đặt.
3.2. Điều kiện thi công hệ thống theo quy định của pháp luật về hoạt động xây dựng
Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng là văn bản xác nhận năng lực hành nghề; do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân quy định tại khoản 3 Điều 148 của Luật Xây dựng 2014; có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp về lĩnh vực hành nghề. Các lĩnh vực này có thể bao gồm: quy hoạch xây dựng; khảo sát, thẩm tra dự án; tư vấn quản lý dự án; thiết kế và thẩm tra thiết kế xây dựng, thi công; giám sát thi công công trình, tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
– Có thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
– Đã qua sát hạch kiểm tra kinh nghiệm nghề nghiệp; và kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề.
Qua bài viết trên, mong rằng bạn đọc đã có thêm những thông tin hữu ích về các yêu cầu cần đảm bảo trong thi công hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Từ đó, có định hướng trong việc thi công hệ thống này tại công trình của mình. Tìm hiểu thêm về hệ thống phòng cháy, chữa cháy với những bài phân tích kĩ lưỡng; mang nhiều nội dung hữu ích tại baotricodien.vn.

