Thi công hệ thống thoát nước mưa nhà ở dân dụng
15/11/2020Hệ thống thoát nước mưa chiếm một vị trí quan trọng đối với mỗi công trình xây dựng. Đảm bảo nước mưa không ứ đọng lại trên mái, gây thấm dột làm ảnh hưởng đến kết cấu cũng như thẩm mỹ công trình. Hiện nay, các gia chủ đã chú trọng hơn đến việc thiết kế và thi công hệ thống thoát nước mưa nhằm đảm bảo an toàn cho ngôi nhà của mình. Vậy cụ thể công việc này ra sao, mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết.
Nội dung chính
1. Tại sao nên lắp đặt hệ thống thoát nước mưa?
Có hệ thống thoát nước mưa sẽ giúp khống chế được dòng chảy nước mưa một cách hợp lý.
Đảm bảo nước mưa không đọng lại trên mái và không bị thấm dột vào trong nhà.
Nếu nước mưa bị ứ đọng sẽ tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển, làm giảm độ bền vững và tuổi thọ của công trình. Ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của ngoại thất ngôi nhà.
Nếu không có hệ thống thoát nước mưa trên mái nhà, rác và nước mưa bị ứ đọng lâu ngày gây mất vệ sinh. Là môi trường lý tưởng để ruồi, muỗi, các loại ký sinh trùng sinh sôi nảy nở. Ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Ngoài ra, ngày nay mái nhà không chỉ được dùng làm sân phơi mà còn được sử dụng với nhiều mục đích đa dạng. Đặc biệt là mái bằng có thể thiết kế thành vườn cây, góc giải trí, nơi vui chơi…Vì vậy, nếu như không có hệ thống thoát nước mưa thì sẽ gây cản trở và ảnh hưởng đến những hoạt động trên.

2. Thi công hệ thống thoát nước mưa nhà mái dốc
Máng thu nước (sê nô) của mái dốc thường được đặt ở vị trí viền mép mái. Nước mưa chảy theo mái dốc vào máng xối (nếu có) xuống máng thu dưới mép mái. Sau đó, chảy dốc về phía phễu thu, xuống ống thu đứng rồi chảy ra cống thoát nước. Trong đó, tùy theo quy mô công trình mà máng thu có thể làm đơn giản bằng tôn, hoặc kiên cố bằng bê tông cốt thép.

Hiện nay, với những công trình có kiến trúc sư đảm nhận, hệ thống thoát nước mưa được thiết kế và thi công đầy đủ. Chất liệu, hình dáng, kích thước, màu sắc đều có chỉ định chi tiết.
Sê nô làm bằng vật liệu phổ biến là tôn mạ màu (sơn tĩnh điện). Loại này được các hãng tôn sản xuất với một số màu sắc nhất định. Có ưu điểm là đẹp, không bị han gỉ, dễ lắp đặt.
Có thể làm máng xối hoặc để nước chảy tự do. Nếu nhà còn đất thì ốp máng xối bên ngoài viền mái. Nếu hết đất thì cắt mái bên trong để đặt máng xối.
Sê nô phải đảm bảo độ dốc I = 2% về phía phễu thu.

3. Hệ thống thoát nước mưa nhà mái bằng
3.1 Tạo độ dốc
Cần tạo độ dốc theo yêu cầu từ 2-5%. Chúng ta có 2 cách sau:
Nếu kết cấu chịu lực nằm nghiêng hoặc nằm ngang thì có thêm lớp điều chỉnh độ dốc bằng cách lắp đặt các tấm panel đúc sẵn, bố trí trên sàn theo hướng ngang của nhà sao cho tạo độ dốc từ 2-5%.
Nếu kết cấu chịu lực nằm phẳng ngang, sau đó làm thêm lớp tạo dốc bên trên thì panen bố trí theo hướng dọc nhà có thể làm dầm tiết diện thay đổi thích ứng theo chiều nước chảy.

3.2 Thi công hệ thống thoát nước mưa mái bằng
Seno bằng bê tông cốt thép được đặt dưới viền mái, sao cho nước mưa từ mặt mái chảy xuống seno, và từ seno chảy vào phễu thu đạt độ dốc theo yêu cầu từ 1-2%. Sau đó đi xuống ống đứng tới mặt đất và chảy ra cống.
Đối với nhà ở dân dụng, đường ống thoát nước mưa có thể bố trí trong nhà hoặc bên ngoài. Với những công trình nhỏ, thấp, ở khu vực ít mưa có thể để chảy tự do không cần máng. Đối với những công trình cao, hoặc mái đua hẹp thì nên có máng để tập trung nước mưa, sau đó theo đường ống dẫn thoát ra khỏi công trình.

Để tăng tính thẩm mỹ cho công trình, người ta sử dụng phương pháp thoát nước mưa bên trong. Tức là tập trung nước vào ống đứng phía trong nhà rồi dẫn đến hệ thống cống thoát dưới đất. Hệ thống thoát nước mưa trong nhà có cấu tạo khá phức tạp và khi phát sinh sự cố, sẽ khó khăn cho việc sửa chữa. Vì vậy cần được thi công tỉ mỉ, cẩn thận. Một ống nước đứng có đường kính 100mm có thể phục vụ được diện tích mái từ 70-100m2, tùy theo lượng mưa ở từng địa phương.
3.3 Cấu tạo seno, phễu thu và ống đứng
3.3.1 Seno
Lòng seno phải đảm bảo có chiều sâu chứa nước tối thiểu là 20cm, chiều rộng tối thiểu là 20cm. Trát vữa xi măng cát mác 50, đánh màu xi măng nguyên chất và tạo độ dốc 1-2% về phía phễu thu.
Dọc theo chiều dài seno, cứ cách 10m phải đặt 1 ống trần đường kính 30-50mm, cao cách mặt đáy seno khoảng 20-25cm.
Nếu là seno lắp ghép thì vị trí giáp nhau giữa mép seno và mái phải được xử lý bằng lớp bê tông chống thấm. Và phải cao hơn vị trí ống trần ≥10cm.

3.3.2 Phễu thu và lưới chắn rác
Phễu thu là bộ phận đầu tiên của hệ thống đường ống thu nước mưa. Được đặt ở vị trí thuận lợi trong seno để thu nước mưa vào ống đứng.
Trên miệng phễu thu có lưới chắn rác. Thường được đan bằng nan thép thành hình cầu, hoặc tấm chắn bằng gang có đục lỗ.

3.3.3 Ống đứng
Là đoạn nối tiếp từ phễu thu đi xuống đất. Thường có đường kính ≥100mm.
Trung bình cứ 100m2 mái thì cần 1 ống đứng D100.
Vicme vừa giới thiệu đến các bạn những thông tin về thi công hệ thống thoát nước mưa. Mỗi công trình sẽ có quy mô, tính chất và kết cấu khác nhau, từ đó cách bố trí và lắp đặt hệ thống thoát nước mưa cũng khác nhau. Vì vậy, cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi thi công. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào cần được giải đáp hoặc muốn được tư vấn thêm, hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 096.63.36.096 để được hỗ trợ nhé!
Có thể bạn muốn biết:
Cách lựa chọn đường kính ống thoát nước chính xác
Chú ý khi thi công hệ thống thoát nước công trình dân dụng

