Trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy trường học thế nào là chuẩn?
25/09/2020Trường học là một công trình đặc biệt, được xây dựng với mục đích cung cấp nơi dạy và học với hàng ngàn học sinh, cùng với các thầy, cô giáo và đội ngũ nhân viên. Do vậy, đảm bảo an toàn cháy, nổ trong nhà trường luôn là một vấn đề nhận được sự quan tâm. Các quy định của pháp luật đã quy định rõ nhà trường là một đối tượng buộc phải thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy. Vậy trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy trường học như thế nào là chuẩn? Hãy cùng khám phá qua bài viết sau.

và đầu tư bài bản theo các quy định của pháp luật
Nội dung chính
1. Tầm quan trọng của trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy nhà trường
1.1. Nguy cơ cháy, nổ trong nhà trường
Trường học là nơi tập trung đông người và tài sản với hàng ngàn học sinh đến trường mỗi ngày, học tập, rèn luyện. Chính vì vậy, đây cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ mà khi sự cố cháy xảy ra, thiệt hại là vô cùng to lớn.
Các trường học ngày càng được trang bị hiện đại, xây dựng thành nhiều khu vực khác nhau như khu giảng đường, tòa nhà làm việc hành chính, khu thí nghiệm – thực hành, nhà bếp,… Mỗi khu vực lại tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ riêng:
– Khu giảng đường: bàn, ghế gỗ, sách vở,….là chất dễ cháy; mạng điện, một số thiết bị dạy học như máy chiếu,… có khả năng chập điện gây cháy; cộng với học sinh đùa nghịch cũng có thể dẫn đến các sự cố cháy đáng tiếc.
– Khu văn phòng hành chính: chứa nhiều tài liệu bài giảng, bài kiểm tra, học bạ, hồ sơ,…; lưu trữ, sử dụng nhiều máy tính, hệ thống mạng điện,… tiềm ẩn nguy cơ chập, cháy.
– Khu thí nghiệm – thực hành: có chứa các loại hóa chất phục vụ việc học tập, dễ cháy, nguy hiểm.
– Khu nhà bếp: là nơi nấu nướng, sử dụng nguồn nhiệt nhiều, cực kì nguy hiểm nếu không có cơ sở vật chất đảm bảo.
1.2. Tầm quan trọng của trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy trường học
Chính vì rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn mà mỗi nhà trường phải luôn có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại chỗ chính là một việc làm hết sức cần thiết. Đó là biện pháp giúp các nhà trường giảm thiểu nguy cơ cháy lớn, cháy lan; dập tắt đám cháy từ những dấu hiệu sớm; hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Ngoài ra trong một số quy định của pháp luật; trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy nhà trường cũng là một nội dung quan trọng. Vì thế, thiếu sự đầu tư, lắp đặt hệ thống này còn là hành vi vi phạm pháp luật.
2. Trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy trường học theo tiêu chuẩn
2.1. Quy định chung về công tác phòng cháy, chữa cháy.
Trường học là một đối tượng thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ theo quy định tại Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng cháy, chữa cháy.
Theo đó, trường học phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Trong khuôn viên trường, phải có quy định, biển báo, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn; phải có hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại chỗ; có lực lượng được huấn luyện chuyên ngành để thực hiện công tác chữa cháy tại chỗ; có phương án chữa cháy, thoát nạn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra phải đảm bảo quy trình kĩ thuật an toàn về phòng cháy, chữa cháy; lắp đặt, xây dựng các hệ thống điện, hệ thống chống sét,… chuẩn về phòng cháy, chữa cháy; có hệ thống giao thông, cấp nước, phương tiện cứu người bị nạn khi gặp sự cố cháy;…
2.2. Quy định về hệ thống phòng cháy, chữa cháy
Đối với trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy trường học, có một số quy định cần phải nắm vững trước khi bắt tay vào thực hiện như sau:
2.2.1. Quy định về thiết kế hệ thống
Hệ thống phòng cháy, chữa cháy bao gồm hệ thống báo cháy và hệ thống chữa cháy tại chỗ; được thiết kế bởi đơn vị có chuyên môn và được cấp phép. Bản vẽ sau khi thiết kế phải được thẩm duyệt bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền.
2.2.2. Quy định về lắp đặt hệ thống
Sau khi được thẩm duyệt, chủ đầu tư hoặc người quản lý công trình tiến hành thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo đúng bản vẽ thiết kế để đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả nhất.
Hệ thống cần phải được vận hành thử nghiệm sau khi lắp đặt; để kiểm tra hiệu quả hoạt động. Đồng thời phải được cơ quan thẩm duyệt bản vẽ thiết kế tiến hành nghiệm thu; trước khi đưa vào vận hành trong thực tế.

giúp ứng phó kịp thời với các đám cháy nhỏ, hạn chế cháy lớn và cháy lan
3. Một số lựa chọn khi trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy trường học
3.1. Hệ thống báo cháy
Hệ thống báo cháy trong trường học là rất quan trọng. Vì nó có nhiệm vụ giúp phát hiện đám cháy từ sớm và nhanh chóng sơ tán con người ra khỏi khu vực nguy hiểm.
3.1.1. Cấu tạo của hệ thống báo cháy tự động
Tại các trường học, hệ thống báo cháy thường được lắp đặt là hệ thống báo cháy tự động. Đây là hệ thống tự động phát hiện và thông báo địa điểm cháy. Hệ thống này bao gồm các bộ phận sau:
– Đầu báo cháy tự động: Thiết bị tự động nhạy cảm với các hiện tượng kèm theo sự cháy như nhiệt, khói; và các loại đầu báo cháy tương ứng hoặc hỗn hợp cả hai loại trên (báo cháy khi xuất hiện cả nhiệt và khói).
– Nguồn điện.
– Các thiết bị liên kết như: hệ thống cáp, dây dẫn tín hiệu tạo tuyến liên kết báo cháy.
– Trung tâm báo cháy: Cung cấp năng lượng cho đầu báo cháy tự động và thực hiện chức năng sau:
+ Nhận tín hiệu từ đầu báo cháy tự động và phát tín hiệu báo động cháy, chỉ thị nơi xảy ra cháy;
+ Có thể truyền tín hiệu phát hiện cháy qua thiết bị truyền tín hiệu đến nơi nhận tin báo cháy; hoặc / và đến các thiết bị phòng cháy chữa cháy tự động;
+ Kiểm tra sự làm việc bình thường của hệ thống; chỉ thị sự cố của hệ thống như đứt dây, chập mạch…;
+ Có thể tự động điều khiển sự hoạt động của các thiết bị ngoại vi khác.
3.1.2. Các loại hệ thống báo cháy tự động
Hai loại hệ thống báo cháy tự động thường gặp tại các trường học đó là:
– Đối với hệ thống báo cháy theo địa chỉ: Khi xuất hiện tín hiệu về đám cháy, nhờ sự nhận biết của các cảm biến nhiệt, cảm biến khói, cảm biến ngọn lửa; các tín hiệu này sẽ qua một module giám sát truyền dẫn đến trung tâm báo cháy. Từ đây, trên màn hình sẽ xuất hiện đúng vị trí xảy ra cháy; đưa ra thông báo bằng âm thanh, đèn thông qua các thiết bị báo động cháy. Điều này giúp người dùng mau chóng triển khai các biện pháp chữa cháy kịp thời và chính xác.
– Đối với hệ thống báo cháy theo zone: Khi xuất hiện tín hiệu về đám cháy, nhờ sự nhận biết của các cảm biến; tín hiệu sẽ được truyền về trung tâm báo cháy. Từ đây, thông qua các đường dẫn, tín hiệu sẽ được truyền đến thiết bị báo động cháy chung cho toàn bộ công trình.
3.2. Hệ thống chữa cháy
Khi trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy trường học cần phải căn cứ vào điều kiện kinh tế; nguồn nguyên liệu chữa cháy và nguy cơ cháy, nổ tại các khu vực cụ thể.
Theo đó, trong các trường học có thể lựa chọn hệ thống chữa cháy như: hệ thống chữa cháy vách tường, hệ thống Sprinkler (sử dụng nước), các bình chữa cháy cầm tay,…
– Hệ thống chữa cháy vách tường: có cấu tạo bao gồm bể trữ nước; hệ thống bơm; hệ thống đường dẫn nước; các van khóa; đồng hồ áp suất và ống phun bằng vải có thể cuộn gọn khi không dùng đến. Hệ thống này phải do người có chuyên môn hoặc đã được tập huấn điều khiển.
– Hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler: Có cấu tạo bao gồm các đầu phun Sprinkler (tự động hoạt động; khi các cảm biến tại đầu phun nhận biết nhiệt độ gia tăng cao bất thường); hệ thống van; đồng hồ đo áp suất; bể trữ nước,….
Ngoài ra, để việc trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy trường học thực sự phát huy ý nghĩa; người quản lý trường học phải luôn quan tâm đến công tác tập huấn, hướng dẫn; nâng cao kiến thức và kĩ năng phòng cháy, chữa cháy; trang bị cho học sinh khả năng ứng phó trước các sự cố cháy.
Bài viết trên hi vọng đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn cận cảnh về việc trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy trường học; một phần không thể thiếu được trong các trường học hiện nay. Tìm hiểu thêm về hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại baotricodien.vn để có thêm những gợi ý về việc lựa chọn, lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy cho công trình của bạn.

