Quy trình lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
07/10/2020Lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy là công đoạn mang tính then chốt trong toàn bộ quá trình nhằm đưa một hệ thống phòng cháy, chữa cháy từ ý tưởng trở thành bộ phận gắn liền với công trình xây dựng. Công đoạn này quyết định hệ thống phòng cháy, chữa cháy được lựa chọn sử dụng có đạt được những hiệu quả như mong đợi hay không; có phù hợp không, có đảm bảo các tiêu chuẩn về kĩ thuật hay không. Do đó, quy trình lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy là một nội dung quan trọng mà bạn không nên bỏ qua; khi có ý định trang bị hệ thống này cho công trình của mình. Vậy quy trình này gồm các bước nào, phải chuẩn bị những gì? Hãy cùng khám phá qua bài viết sau đây.

Trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung cung cấp đến cho bạn đọc quy trình lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy tự động.
Nội dung chính
1. Giai đoạn chuẩn bị trong quy trình lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy
Trước khi tiến hành thực hiện một công việc gì; lên kế hoạch, vạch ra các nội dung cần thực hiện một cách chi tiết sẽ giúp công việc được thực hiện một cách hiệu quả; rút ngắn thời gian và giảm thiểu các phát sinh ngoài ý muốn. Đối với công việc lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy cũng vậy.
Để chuẩn bị tốt nhất cho quy trình thực hiện việc lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy; chủ đầu tư, người quản lý công trình xây dựng phải chuẩn bị những nội dung sau:
1.1. Thiết kế hệ thống phòng cháy, chữa cháy
Thiết kế hệ thống phòng cháy, chữa cháy có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc lắp đặt. Đó là cơ sở để tiến hành công việc lắp đặt. Bản vẽ thiết kế hệ thống phòng cháy, chữa cháy là sản phẩm của quá trình thiết kế; đòi hỏi sự nghiên cứu, tìm tòi và trình độ chuyên môn của đơn vị tư vấn thiết kế. Bản vẽ thiết kế đạt tiêu chuẩn phải phản ánh đầy đủ các loại thiết bị trong hệ thống; sơ đồ mạng lưới, cũng như phản ánh được nguyên lý phòng cháy, chữa cháy của hệ thống.
Nhờ có bản vẽ thiết kế, người thi công, lắp đặt có thể hình dung ra các công việc cần phải làm; ví dụ như: loại thiết bị nào gắn ở vị trí nào; sử dụng đường ống dẫn có kích thước là bao nhiêu; đầu phun chất chữa cháy có chiều cao bao nhiêu, số lượng đầu phun trong toàn bộ công trình,….
1.2. Thẩm duyệt bản vẽ thiết kế hệ thống phòng cháy, chữa cháy
Thẩm duyệt bản vẽ thiết kế là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành đánh giá chất lượng, tính kĩ thuật và sự phù hợp của một bản vẽ hệ thống phòng cháy, chữa cháy đối với công trình xây dựng. Đây là một nội dung bắt buộc đối với các công trình có nguy hiểm cháy nổ như: chung cư, nhà xưởng, trụ sở, khách sạn, bệnh viện,…; các địa điểm tập trung nhiều người và tài sản nói chung.
1.3. Chuẩn bị các thiết bị cần thiết
Và yếu tố cuối cùng không thể thiếu trong giai đoạn chuẩn bị đó là các loại thiết bị, dụng cụ cần thiết cho quá trình lắp đặt. Các loại thiết bị này phải được chuẩn bị đủ về số lượng; đúng về quy cách và đạt chuẩn về chất lượng theo các tiêu chuẩn kĩ thuật nghiêm ngặt. Trong đó:
– Hệ thống báo cháy tự động được cấu thành từ các bộ phận cơ bản như: trung tâm báo cháy, đầu báo cháy, nút ấn báo cháy, thiết bị báo bằng âm thanh và ánh sáng, các thiết bị liên kết và nguồn điện. Mỗi bộ phận của hệ thống phải đảm bảo có đủ chức năng cơ bản; và phải tích hợp liên kết thành hệ thống báo cháy hoàn chỉnh.
– Hệ thống chữa cháy tự động khá đa dạng, sử dụng những nguyên lý chữa cháy và chất chữa cháy khác nhau. Các bộ phận nói chung chung của một hệ thống chữa cháy tự động thường bao gồm: thiết bị chứa đựng chất chữa cháy (nguồn); hệ thống bơm, hệ thống điện (năng lượng cho vận hành hệ thống), các van, đồng hồ đo áp suất, các ống dẫn nước/ khí/ bọt, đầu phun.

2. Giai đoạn triển khai thực hiện trong quy trình lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy
Nội dung này chính là đề cập đến việc tiến hành các hoạt động nhằm lắp ráp; kết nối các bộ phận thành một hệ thống phòng cháy, chữa cháy hoàn chỉnh.
2.1. Tiến hành lắp đặt
– Đơn vị tiến hành lắp đặt phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định:
Đơn vị tiến hành lắp đặt hệ thống phải có nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, lành nghề; đáp ứng có tiêu chuẩn theo quy định về đơn vị cung cấp dịch vụ về phòng cháy và chữa cháy.
– Thực hiện chính xác các nội dung trong bản vẽ thiết kế: lắp đặt máy móc thiết bị đúng vị trí, sử dụng nguồn nhiên liệu phù hợp, đảm bảo đủ nguồn chất chữa cháy, hệ thống đường ống dẫn chất chữa cháy được hàn xì cẩn thận, chắc chắn; chằng buộc bằng dây cáp phải đảm bảo an toàn tuyệt đối.
– Sau khi lắp đặt phải tiến hành kiểm tra và nghiệm thu hệ thống trước khi đưa vào vận hành.
3. Lưu ý trong quy trình lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy
Khi thiết kế, trang bị hệ thống chữa cháy bằng khí phải tính đến yêu cầu về đảm bảo an toàn cho người; phải có những biện pháp bảo vệ thích hợp để đảm bảo mọi người di chuyển nhanh ra khỏi khu vực nguy hiểm hạn chế người vào khu vực sau khi đã xả khí, trừ khi cần thiết để cấp cứu nhanh người bị nạn; phải đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn TCVN 6100, TCVN 6101 và TCVN 7161; tính toán thời gian thoát nạn, đảm bảo cho người cuối cùng thoát ra khỏi căn phòng hoặc vùng cần bảo vệ trước khi hệ thống tự động xả chất chữa cháy.

Lối thoát nạn trong nhà, công trình được trang bị hệ thống chữa cháy tự động phải phù hợp với yêu cầu quy định trong các tiêu chuẩn kĩ thuật.
Hệ thống chữa cháy tự động phải có bộ phận điều khiển tự động và bằng tay. Đối với hệ thống chữa cháy bằng nước kiểu vòi phun xối (Drencher); hệ thống chữa cháy bằng hơi nước; hoặc bằng khí cho phép thiết kế điều khiển từ xa và bằng tay.
Hệ thống chữa cháy tự động bằng nước phải có họng chờ lắp đặt ở ngoài nhà để tiếp nước từ xe bơm; hoặc máy bơm chữa cháy di động.
Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn hiểu thêm về quy trình lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Hi vọng những thông tin này hữu ích và giúp bạn lưu ý để tiến hành công việc lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy đạt hiệu quả mong muốn.

